Được và Thua

NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM

Được và Thua

Thế thường, các nhà doanh thương phải gặp cả hai điều: được và thua, hay nói cách khác, lợi lộc và lỗ lã. Dĩ nhiên, khi được lợi thì người ta thỏa thích, vui mừng. Điều này tự nó không có gì sai lầm. Những mối lợi tương tợ , dầu chánh đáng hay không, đều đem lại niềm vui mà người thường ai cũng ước mong, ai cũng tìm kiếm. Nếu không có những giờ phút vui vẻ, dầu là tạm bợ, đời quả thật không đáng sống. Trong thế gian tranh chấp và bấp bênh này, con người được rất ít cơ hội thọ hưởng một vài loại hạnh phúc để làm phấn khởi tâm trí. Những lạc thú tương tợ, dầu vẫn là vật chất, chắc chắn sẽ không giúp ta thêm sức khoẻ và tuổi thọ.

Nhưng đến khi lỗ lã thì phiền não bắt đầu khởi phát. Ta có thể mỉm cười dễ dàng khi lợi lộc, nhưng lúc thua thiệt thì không. Nhiều trường hợp lỗ lã quan trọng làm cho người ta hoạn trí, lắm khi đưa đến cảnh quyên sinh mạng sống nếu không còn chịu đựng được nữa. Chính trong những trường hợp tương tợ ta phải biểu dương tinh thần dũng cảm và giữ tâm bình thản, không để quá chao động. Trong lúc vật lộn với đời sống, tất cả mọi người đều phải gặp những lúc thăng, lúc trầm và chúng ta phải sẵn sàng chịu đựng, sẵn sàng đối phó, nhứt là trong nghịch cảnh. Nỗi thất vọng sẽ giảm thiểu.

Mất một vật gì, tất nhiên ta cảm thấy buồn. Nhưng chính cái buồn không giúp ta tìm lại được vật đã mất. Ta phải nghĩ rằng ai đó có thể hưởng vật kia, mặc dầu họ hưởng một cách bất chánh. Ước mong người ấy được vui vẻ, an lành và hạnh phúc.

Hoặc giả ta có thể tự an ủi: “Đây chỉ là một mất mát nhỏ nhen, không quan trọng”. Hay ta có thể chấp nhận một thái độ triết lý cao thượng: “Không có gì là Ta, không có cái gì là của Ta”. Trong những hoàn cảnh tương tợ, ta phải giữ tâm bình thản.

Vào thời Đức Phật còn tại thế, có một thiếu phụ đến chùa trai tăng Đức Xá Lợi Phất và các vị tỳ khưu khác. Trong khi sửa soạn dâng vật thực đến các Ngày thì bà được tin chồng và tất cả các con bị người ta phục kích và giết chết lúc đang đi hòa giải một cuộc tranh chấp. Bà không tỏ ra buồn. Thản nhiên, bà lặng lẽ cất giữ thơ vào túi rồi tiếp tục để bát chư Tăng như không có gì xảy ra. Lúc ấy, một người nữ tỳ của bà bưng hũ mật và sữa để dâng chư Tăng, rủi trợt chân té, làm bể cái hũ. Nghĩ rằng có lẽ bà thí chủ sẽ tiếc cái hũ và thức ăn đựng trong đó. Đức Xá Lợi Phật an ủi bà rằng các vật như cái hũ, đã mang tánh chất “bể” theo liền với nó, ắt phải bể một ngày nào. Bà tín nữ trí tuệ điềm tĩnh trả lời: “Kính bạch Đại Đức, đó chỉ là một mất mát tầm thường. Con vừa nhận được tin chồng và các con của con bị kẻ sát nhơn giết chết. Con bỏ thơ vào túi và vẫn giữ tâm bình thản, không bấn loạn. Và mặc dầu được tin dữ, con vẫn tiếp tục để bát Ngài và chư Tăng.

Đức quả cảm của người thiếu phụ thật đáng ca ngợi và đáng được làm gương cho người khác.

Lần kia, Đức Phật đi trì bình trong một làng nọ. Do sự phá rối của Ma Vương, hôm ấy Đức Phật không được ai để bát và không có gì độ ngọ. Đến khi Ma – Vương sống sượng hỏi Ngài có nghe đói bụng không, Đức Phật giải thích thái độ tinh thần của người khỏi mọi trở ngại và đáp rằng: “ Hạnh phúc thay, Như Lai sống không bị chướng ngại. Dưỡng nuôi phi lạc, Như Lai lúc nào cũng như các vị Trời ở cảnh Quan âm Thiên.”

Lần khác, Đức Phật và các môn đệ an cư kiết hạ trong làng nọ, theo lời mời của một người bà la môn. Nhưng vị này hoàn toàn lãng quên bổn phận là phải chăm lo các Ngài. Suốt trọng thời gian ba tháng hạ Đức Phật và Chư Tăng bình thản dùng những thức ăn của ngựa mà một người lái ngựa đã dâng đến, mặc dầu Đức Mục Kiền Liên tình nguyện dùng thần thông đi tìm vật thực khác. Đức Phật không một lời than van hay phản đối.

Bà Visakhă, vị nữ thí chủ quan trọng trong thời Đức Phật, thường đến chùa chăm lo mọi nhu cầu của Đức Phật và chư Tăng. Một hôm, bà đắp một cái áo choàng rất quí giá để đi chùa. Khi đến cổng chùa, bà cởi áo choàng ra đưa cho người nữ tỳ cầm giữ. Lúc ra về cô tỳ nữ vô ý, bỏ quên lại. Đại Đức A – Nan – Đà thấy, đem cất một nơi, chờ bà Visakhă đến sẽ trao lại. Về đến nhà sực nhớ, bà bảo người nữ tỳ quay trở lại tìm, nhưng nếu có vị tỳ khưu nào đụng đến thì không nên lấy về. Cô tỳ nữ đến chùa hỏi thăm, biết rằng Đại Đạt Đức A – Nan – Đà đã cất giữ cái choàng nên trở về báo tin cho chủ. Bà Visakhă liền đến hầu Phật và tỏ ý muốn làm việc thiện với số tiền bán cái choàng quí giá ấy. Đức Phật khuyên bà nên kiến tạo một ngôi tịnh xá để chư Tăng có nơi cư trú. Vì không ai có đủ tiền mua cái áo choàng quí giá như thế nên chính bà mua lại và dùng số tiền ấy xây dựng một ngôi tịnh xá đẹp đẽ dâng đến chư tăng. Sau khi dâng xong ngôi chùa bà ngỏ lời tri ân người tỳ nữ như sau: “Nếu con không lỡ bỏ quên cái áo choàng, ắt ta sẽ không có cơ hội tạo nên phước báu nầy. Như vậy ta xin chia phước nầy đến con”.

Thay vì buồn rầu hay phiền giận vì tạm thời mất một vật quí giá, và la rầy tỳ nữ vô ý, bà cám ơn người ấy đã giúp cho cơ hội tạo phước. Thái độ gương mẫu của bà Visakhă học thức đáng làm một bài học cho những ai dễ nóng giận vì lỗi lầm của người giúp việc thế cô.

Ta phải dũng cảm chịu đựng những lỗ lã, thua thiệt. Ta phải đương đầu với nó, và như câu “họa vô đơn chí” diễn tả, nó đến một cách đột ngột, từng đoàn, từng đám đông, chớ không đơn độc. Ta phải điềm tỉnh đối phó, với tâm xả hoàn toàn, và nghĩ rằng đây là cơ hội vàng ngọc để thực hành đức tánh cao thượng nầy.