Monday, March 31, 2014

CHÂN THÀNH LÀ SỰ KHÔN NGOAN CAO CẤP

Người khôn ngoan thường làm đẹp lòng người khác và dễ đạt những thành công, nên hầu hết mọi người đều mong mình trở thành một người sớm khôn ngoan. Để nhanh chóng có được điều ấy, một số bạn trẻ đã tìm cách làm đẹp lòng người khác bằng mọi cách, kể cả sự dối trá và lối sống hai mặt… Thế nhưng một bậc hiền triết lại cho rằng “Sự khôn ngoan cao cấp, đó là sự chân thành” Đơn giản bởi lẽ, sự chân thành bao giờ cũng là điều được ưa chuộng nhất trong cuộc sống. Người ta cho rằng một sự thật xấu xí còn hơn một điều dối trá tốt đẹp. Người có lối sống chân thành bao giờ cũng tạo một sức hấp dẫn với người khác, bởi bản chất con người là luôn hướng về sự thật, về chân lý. Người chân thành luôn tạo ra sự tin cậy quanh họ, là chỗ dựa tinh thần ấm áp của bạn bè, người thân. Sống bên họ ta cảm thấy yên ổn, thanh thản vì không phải dò xét, dè dặt, hoài nghi, sợ bị trở mặt hay phải khám phá ra những sự thật phũ phàng, đen tối. Sự chân thành được thể hiện không chỉ trong lời nói mà nó phải được bắt rễ sâu xa từ trong một tấm lòng thành, với tình cảm thực sự thì mới có sức thuyết phục. Hành xử trong sự chân thành, sẽ cho bạn sự tự tin, sức lôi cuốn và sự vững mạnh… Hãy thành thật với người khác và với chính mình. Muốn thế hãy đánh giá đúng bản thân, đừng tự huyễn hoặc mình và cũng đừng huyễn hoặc người khác. Nhưng tất cả sự chân thành phải được thể hiện trong sự tế nhị, đôn hậu và có văn hóa, nếu không nó cũng dễ trở thành thô thiển khó chấp nhận. Hãy phân biệt sự khôn ngoan thực sự với sự tinh khôn hoặc khôn ranh, đó là kẻ chỉ ”khôn” để cầu lợi. Nếu được sống giữa một cộng đồng của những người chân thành thì đó là lúc cuộc sống đang tiến dần đến một thiên đường nơi trần thế.

Thursday, March 27, 2014

TẤT CẢ MỌI THỨ CỦA BẠN ĐỀU VẪN CÒN.....!!!

Một người gọi điện đến nói chuyện với một vị là chuyên gia tư vấn tâm lý. Ông nói: “Tất cả đã kết thúc rồi, hết rồi. Tôi đã mất sạch tiền. Tôi không còn gì nữa”. Chuyên gia tư vấn tâm lý hỏi: “Mắt anh còn nhìn thấy không?” Ông ta nói: “Vẫn nhìn được”. Chuyên gia lại hỏi: “Thế anh có đi được không?” Người kia nói: “Vẫn còn đi được”. Chuyên gia tâm lý lại nói tiếp: “Anh vẫn gọi điện được, tôi chắc là anh vẫn nghe tốt”. “Đúng thế, tai tôi vẫn tốt”. Chuyên gia nói: “Như vậy thì tôi khẳng định là anh vẫn đang còn tất cả, anh chỉ mất mỗi tiền thôi”. *** Nhiều khi chúng ta cảm thấy tuyệt vọng đến mức cực điểm, chỉ vì chúng ta mất đi những vật ngoại thân - Trong khi đó chúng ta vẫn còn đầy đủ không khí để thở, có đủ thức ăn để không đến nỗi bị đói. Vẫn còn rừng thì không sợ hết củi; chỉ cần ta còn cuộc sống, còn sức khỏe thì không có gì là không làm lại từ đầu được.

Ly cà phê buôi sáng

Một nhóm sinh viên, sau khi tốt nghiệp ra trường đều có công việc tốt, rủ nhau về thăm thầy giáo cũ. Sau một hồi trò chuyện, họ bắt đầu phàn nàn về những căng thẳng trong công việc cũng như trong cuộc sống. Nghe vậy, người thầy đi vào bếp và quay trở ra với một bình cà phê lớn cùng những chiếc tách khác nhau: chiếc bằng sứ, chiếc bằng nhựa, chiếc thuỷ tinh, chiếc bằng pha lê, có vài chiếc tách trông rất đơn giản, nhưng cũng có cái rất đắt tiền. Người thầy bảo các học trò tự chọn tách và rót cà phê cho mình. Sau khi mỗi người đều đã có một tách cà phê, người thầy bắt đầu nói: - Nếu các em chú ý thì sẽ nhận ra điều này: những chiếc tách đắt tiền và đẹp đều đã được lấy hết, chẳng ai đụng đến những chiếc tách rẻ tiền cả. Có lẽ mọi người sẽ cảm thấy điều này thật bình thường vì ai chẳng muốn chọn cho mình cái tốt nhất, nhưng điều ấy lại chính là nguồn gốc của mọi vấn đề rắc rối trong cuộc sống của các em. Điều mà chúng ta thực sự cần là cà phê, chứ không phải chiếc tách, nhưng ai cũng vội vàng chọn những chiếc tách tốt nhất, rồi sau đó còn liếc mắt qua người bên cạnh để xem tách của họ có đẹp hơn tách của mình không. Cuộc sống chính là cà phê, còn công việc, tiền bạc và địa vị xã hội chính là những chiếc tách. Chúng là công cụ để giữ và chứa đựng cuộc sống, và không làm thay đổi chất lượng cuộc sống chúng ta. Đôi khi, vì chúng ta cứ tập trung vào chiếc tách, mà bỏ qua việc thưởng thức hương vị cà phê mà cuộc sống cho chúng ta. Vậy đó. Hãy thoải mái nhâm nhi cà phê của mình, và đừng để những chiếc tách ảnh hưởng quá mức đến vị cà phê tuyệt vời đó.

Sống trọn vẹn mỗi ngày

"Cuộc sống ngắn hơn chúng ta tưởng rất nhiều” câu nói này phổ biến đến mức trở nên quá nhàm chán. Tại sao chúng ta không bước chậm lại và sống trọn vẹn hơn mỗi ngày thay vì guồng chân theo bước chạy của người khác? “Sống trọn vẹn” không phải là một khái niệm gì quá khó hiểu, đa số chúng ta đều biết làm thế nào để có một cuộc sống trọn vẹn nhưng thực hiện nó thì chẳng dễ dàng gì. Đấy chính là lý do nhiều người cảm thấy tiếc nuối khi từ rã cõi đời. Những-người-tiếc-nuối-vì-sống-không-trọn-vẹn, họ dành phần lớn thời gian để hoàn thành những mục tiêu không phải do chính mình đặt ra hoặc nói cách khác là những mục tiêu họ đặt ra dưới góc nhìn của những người khác. Nhiều người nói “tôi không có thời gian”. Chúng ta không có nhiều thời gian nhưng luôn có đủ thời gian để suy nghĩ nên làm gì tiếp theo. Hãy lắng nghe bản thân nhiều hơn, hãy dành thời gian cho việc đó. Bởi vì sau tất cả, cuộc sống có trọn vẹn hay không là do mỗi cá nhân tự cảm nhận mà thôi. Khi ta khao khát điều gì đó hãy cố gắng dồn hết sức để thực hiện. Khi đã xác định rõ mục tiêu, hãy tiến lên, hãy dấn thân. Thỏa mãn cái tôi cũng là trọn vẹn, sống vì người khác cũng là trọn vẹn. Tất cả đều phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi người. We all live with our choice and sometimes die for it. Thắng hay thua, được hay mất, thành công hay thất bại, dẫu sao cũng chỉ là một kết quả. Cái chúng ta có được chính là những bài học, những trải nghiệm để từ đó chúng ta hoàn thiện mình. Trong Mật mã Tây Tạng của tác giả Hà Mã có một bài thơ được lược dịch như thế này: Tôi không muốn sống mãi ở bình nguyên cuộc đời Dẫu rằng bình nguyên rất bằng phẳng và không hiểm nguy Nhưng lại không có niềm kích động khi trèo lên núi cao. Tôi không muốn dật dờ mãi trong vũng nước tù của cuộc sống Dẫu rằng nước tù rất bình lặng lại chẳng có đá ngầm Những thiếu đi niềm hăng say lúc chinh phục biển khơi. Ngày ngày, giờ giờ Tôi mãi luôn trốn chạy Trốn chạy tình yêu bình thường lặng lẽ Trốn chạy hạnh phúc giả tạo lặp đi lặp lại Trốn chạy vòng tay ấm áp đầy cạm bẫy Trốn chạy những ánh mắt thương hại hiểm trá khôn lường Để trốn chạy, tôi khát vọng và theo đuổi Khát vọng vượt qua dãy núi cao trong thẳm tâm hồn Đi xem phong thái của người bên kia rặng núi Để trốn chạy, tôi khát vọng và theo đuổi Theo đuổi giấc mơ vượt qua hải dương mộng tưởng Để xem những cánh buồm mây dập dờn bờ bên kia Để thực hiện lời thề của bản năng Để đời tôi từ đây trở nên chân thực Tôi thực sự cảm nhận được đớn đau Vì ngọn lửa thần thánh nơi xa xăm đang đốt cháy Tôi thực sự cảm thấy hụt hẫng Vì những gì trước mắt không như trong tưởng tượng Những tôi không muốn ngoảnh đầu Bởi vì tôi đã được nếm trải Niềm vui của con sói liếm lên vết thương rỉ máu của mình. Suu tam

Wednesday, March 26, 2014

Thương và hiểu

Thương và hiểu - source from Cỏ Dại
Hãy cố gắng sống tử tế với mình thì không cần nói lời xin lỗi ai. Vì khi đã phạm lỗi với người thì cũng giống như đang sát hại mình. Trời Sài Gòn sáng nay mát mẻ, gần như sắp có cơn mưa. Ngã tư nơi này xe dường như cũng chậm lại. Chả bù với mấy ngày trước cứ ồ ập vội vã. Ở góc phố ồn ào có bao nhiêu là thứ đáng để nhớ. Niềm yêu thương, nỗi bất hạnh và những hân hoan đặt không đúng chỗ cứ lẫn vào nhau tạo thành tạp âm chán ngắt. Yêu và cho đôi khi không dễ chút nào! Biết rót sao cho vừa khi lòng đã đầy kín âm mưu và đoạt lợi. Hữu ý hay vô tình thì đâu có nghĩa gì khi người ta không có cảm giác đón nhận. Một khi, tâm hồn chật hẹp thì làm sao còn chỗ cho những nụ hoa yêu thương nảy nở. Nghĩ mà tiếc. Thường thì, khi mỏi mệt trên dòng đời bỗng thấy bóng tán cây to người ta rất thích rúc vào để hưởng mát. Trầm ngâm..., rồi ước ao giá chi mình cũng được có vài cây như thế. Mà, quên mất rằng trước khi muốn thụ hưởng người ta phải vất vả ươm trồng từ những chồi xanh yếu ớt. Phải chịu bao nhiêu gió sương, qua bao nhiêu mưa nắng, cây mới có thể cho bóng mát như ngày hôm nay. Muốn thành công, không tự nhiên mà có. hoa. Ở đời, chẳng ai muốn mình thấp. Người ta sẽ cố leo cho bằng được nấc thang tham vọng, thích đốt cháy giai đoạn và cảm thấy tủi hổ khi so ra mình chẳng bằng ai. Cũng tốt, nếu điều đó tạo thêm động lực phấn đấu. Nhưng... thường thì người ta rất dễ bị cảm xúc tiêu cực dẫn dắt. Lòng đố kỵ đã giết chết niềm an lạc, nó xâu xé và khiến họ phải thực hiện cho bằng được cái mình muốn. Tất nhiên, có anh hùng thì cũng lắm tiểu nhân. Muốn là ai cũng được, chỉ cần giữ chặt "luật nhân quả" rồi lên đường. Có những thứ không cầm nắm được nhưng hết sức quan trọng. Lỡ một bước, hằng hà sa số tội. Trong những tình huống như thế, những ai mỏng duyên thì thật là đáng thương. Có khi vì không biết nên mới sinh tâm xằng bậy. Có điều, những thứ mình gây ra dù thế nào, phải tự mà chịu. Người ta vì quá thương nhau vẫn có thể nhường cơm xẻ áo, chứ không thể chia nghiệp. Phật dạy, gieo tâm lành ắt có quả lành. Rõ là vậy! Hãy cố gắng sống tử tế với mình thì không cần nói lời xin lỗi ai hết. Vì khi đã phạm lỗi với người thì cũng giống như đang sát hại mình. Hãy tự xin lỗi bản thân vì nếu không có điều xấu xa mình gây ra thì đã biết sống lương thiện. Đừng tự đào cái hố chôn bớt nhân tính tốt đẹp mà khi sinh ra cha mẹ luôn cầu mong ta được đúng như thế. Đừng đánh đổi những điều nhỏ bé ở hiện tại mà hậu quả có khi nó trút lên những người thân yêu bên cạnh ta.Họ sẽ đau lòng biết bao khi thấy ta rẽ sai hướng. Lúc này, lòng trào dâng niềm thương hơn là oán! Xét mình đã hoan hỷ thứ tha. Mong người ta đằng kia sống an vui, hạnh phúc và giữ khu vườn công đức luôn tươi nguyên. Ráng nhớ, nếu còn kiếp nữa, biết có vui như bây giờ?

Dạy con lòng nhân ái

'Hãy nhân ái với kẻ thù của con, và hãy cầu nguyện cho những người ngược đãi con'. (Dịch từ Godswork) Một bé gái mồ côi người Hàn được đưa đến Mỹ làm con nuôi, chín tháng tuổi bé chỉ nặng hơn 4 cân chút xíu. Cô bé lớn lên và trưởng thành trong gia đình mới nhưng vẫn có vóc người nhỏ xíu. Tên cô là Edie. Khi Edie học lớp hai, một ngày nọ cô bé chạy từ trường về nhà khóc nức nở. Hôm đó, lớp Edie nhận ba bạn gái mới vào. Trong suốt giờ giải lao đầu tiên, các bạn lao vào cấu, xô đẩy Edie bé nhỏ và dọa đánh cô. Edie phải ở một giờ đồng hồ trong phòng hiệu trưởng với ba bạn gái, cuối cùng các thầy cô đảm bảo sẽ lưu ý bảo vệ em. Ba bạn còn lại thì bị nhà trường cảnh cáo. Mẹ Edie ôm con gái bé bỏng vào lòng an ủi, vỗ về. Sau đó bà có dịp nói chuyện với thầy hiệu trưởng và được biết ba cô bé kia từng gây rối ở một số trường khác. Chúng đang được cho thêm một cơ hội nữa để làm lại từ đầu ở ngôi trường mới này. "Những cô bé ấy chắc chắn đã phải chịu một tuổi thơ rất đau đớn, vì vậy chúng luôn giận dữ" - Bà mẹ nói. "Kinh thánh dạy rằng: Hãy nhân ái với kẻ thù của con, và hãy cầu nguyện cho những người ngược đãi con. Edie, con hãy cầu nguyện". Sau đó hai mẹ con cầu nguyện cho ba cô gái và xin Chúa trời một kế hoạch hành động. Kế hoạch bắt đầu được lập ra. "Mẹ không thể đến trường với con hàng ngày, vì vậy con phải ở gần một thầy cô trong giờ giải lao hoặc trên đường đi vào trường". Mẹ Edie dặn con. "Nếu các bạn bắt đầu bắt nạt con, hãy nói với các bạn rằng: Tôi thực sự muốn làm bạn với các bạn! Con có đủ dũng cảm để làm điều đó không?". Cô gái bé nhỏ vui tươi trở lại, cô nhìn mẹ rồi nói: "Vâng, thưa mẹ, con sẽ cố gắng". Từ sáng hôm sau, hàng ngày trước khi đi học, Edie đều cùng mẹ cầu nguyện cho cô được an toàn và dũng cảm, cho các cô bé kia có được tình yêu thương của Chúa. Hàng ngày, ba cô bé cá biệt vẫn xô đẩy nhau vào Edie, gọi tên Edie và cố gắng véo Edie một, hai cái. Chưa một lần trải nghiệm lòng nhân ái sẽ không thể nhân ái đối với người khác được. Mỗi lần như vậy, Edie đều nhìn lên mặt các bạn và nói: "Tôi thực sự muốn làm bạn với các bạn". Cô phải nhìn lên bởi ba bạn cao hơn cô rất nhiều. Các thầy cô chăm chú quan sát những hành động đó, nhưng không cần ngăn cản vì ba bạn gái ngỗ ngược không làm đau cô bé. Sau khoảng hai tuần, Edie trở về nhà với vẻ mặt vô cùng chán nản. Cô bé nói với mẹ rằng cô không nghĩ cách này có tác dụng. Sau khi hai mẹ con nói chuyện thêm về việc này, cô bé quyết định sẽ tiếp tục cố gắng và tiếp tục nói với chúng một cách chân thành: "Tôi thực sự muốn làm bạn với các bạn". Một ngày vào tuần sau đó, Edie chạy hộc tốc về nhà hét lớn: "Mẹ ơi, mẹ ơi, hãy đoán xem hôm nay đã xảy ra điều gì? Giống như mọi khi con đã làm, con nói tôi thực sự muốn làm bạn với các bạn, và một trong ba bạn đã nói: "Được rồi, Edie, chúng tớ sẽ không trêu bạn nữa, chúng ta sẽ là bạn". Edie và mẹ cảm ơn Chúa vì sự công bằng của Người. Một thời gian ngắn sau đó, Edie xin cô giáo được ngồi cùng bàn với ba bạn gái kia. Cô bé đã biết bạn mình phá phách vì họ không hiểu các bài giảng. Edie trở thành gia sư cho các bạn. Đến cuối năm học, khi cha mẹ Edie đến trường họp phụ huynh, cô giáo nói với họ: "Vì lòng nhân ái của Edie, ba cô bé ngỗ ngược trước đây đã hoàn toàn thay đổi và hiện là những thành viên đầy triển vọng của lớp". Edie cảm thấy như mình được chứng kiến một điều huyền diệu, và cha mẹ cô cũng vậy. Bạn thân mến, có bao nhiêu người đã đi suốt cuộc đời mà chưa biết đến lòng nhân ái. Họ không nhìn thấy nó trong những người lạ, và thậm chí một số còn không tìm thấy nó trong chính gia đình của mình. Chưa một lần trải nghiệm lòng nhân ái sẽ không thể nhân ái đối với người khác được. Kết quả của sự thiếu hụt này được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Xã hội sẽ khác nếu mọi người, những người đã được nhận lòng nhân ái sẽ nhân ái với người khác, đặc biệt là những ai không may mắn.

Thông điệp không lời

Chính cuộc sống và hành động mới là tiếng nói chân tình và ấn tượng nhất, hơn tất cả mọi lời hoa mỹ. Tác giả Steve Goodier (Haley dịch) Họa sĩ tài ba Vincent Van Gogh không phải lúc nào cũng cầm cọ. Ông từng đến làm việc tại một mỏ than ở Borinage, Bỉ. Ở đó mọi người rất quý trọng ông vì sự hiểu biết và vốn sống của ông. Những khi rảnh rỗi, ông thường được mọi người mời nói chuyện về cuộc sống. Ông nhận ra có một số người thường phản ứng khi nghe ông nói chuyện. Ông hiểu vì cuộc sống họ quá khổ sở đến nỗi khó tin được vào lời nói của người khác. Hằng ngày nhìn những người thợ mỏ phải làm việc trong các điều kiện cơ cực triền miên mà chỉ nhận được đồng lương chết đói, gia đình họ luôn phải chạy ăn từng bữa, ông chợt thấy xót xa khi so sánh với cuộc sống tương đối sung túc của mình. Vào một buổi tối cuối năm lạnh lẽo, trong đoàn người thợ mỏ đang mệt mỏi lê từng bước chân về nhà, ông thấy một ông lão chân bước xiêu vẹo băng ngang qua cánh đồng, giấu chặt người sau miếng vải bố để tìm chút hơi ấm. Van Gogh đã lấy quần áo của mình đem cho ông lão và chỉ giữ lại một bộ duy nhất. Ông quyết định sống với khẩu phần lương thực ít ỏi và phân phát tiền lương của mình cho những thợ mỏ khốn khổ ấy. Có lần, mấy đứa trẻ của một gia đình nọ bị sốt thương hàn, tuy bản thân cũng đang sốt, Van Gogh vẫn nhường giường của mình để bọn trẻ có chỗ nằm. Một gia đình giàu có trong vùng gợi ý dành riêng cho ông một căn phòng trống để trọ, nhưng Van Gogh từ chối lời đề nghị này. Ông nói nếu có thiện chí, gia đình đó nên giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Những người trước đây thường phản ứng với ông giờ đã hiểu và rất kính trọng ông. Ông ý thức rất rõ rằng giữa lời nói và hành động có một sự cách biệt khá lớn. Chính cuộc sống và hành động mới là tiếng nói chân tình và ấn tượng nhất, hơn tất cả mọi lời hoa mỹ. Ông nhận ra dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ nên dùng lời nói khi thật cần thiết.

Vượt qua điểm yếu của bản thân

Chẳng có gì xấu hổ trong việc bạn kém hơn mọi người về một kỹ năng nào đó, dù là một kỹ năng cơ bản - Jay Thiessens. Haley (Dịch từ Getmotivation) Trong hàng chục năm trời, Jay Thiessens, Chủ tịch Tập đoàn máy móc công cụ B&J (một doanh nghiệp lãi ít nhất 5 triệu USD/năm), giấu kín một bí mật - ông không biết đọc. Hằng ngày, như mọi doanh nhân khác, ông luôn vội vã, bận rộn, bởi vậy cũng luôn "không đủ thời gian để xem các bản hợp đồng hay đọc thư, gửi email...". Mỗi buổi tối, vợ ông, bà Bonnie lại phải giúp ông xem lại các giấy tờ trong ngày. Còn các nhiệm vụ khác, ông giao cho một nhóm quản lý đáng tin cậy, nhưng ngay cả những người đó cũng không hề biết rằng giám đốc của họ hoàn toàn không biết đọc. "Tôi làm việc cho ông ấy 7 năm rồi mà không hề biết" - Jack Sala kể - "Tôi là giám đốc điều hành. Ông ấy thường mang những văn bản luật tới chỗ tôi và bảo: "Anh giỏi những vấn đề luật pháp hơn tôi mà!". "Tôi đã không biết rằng tôi là người duy nhất đọc chúng" - Jack nói. Rất ít người biết được rằng mong ước lớn nhất của ông Jay là có thể đọc một câu chuyện cổ tích cho cháu mình nghe trước khi chúng ngủ. Nhưng ông cũng không giữ được bí mật này mãi mãi. Năm 56 tuổi, ông Jay mới bắt đầu biết đọc. "Kể từ khi tôi quyết định không giấu giếm nữa, tôi thấy nhẹ nhõm hơn hẳn". Doanh nghiệp của ông Jay từng được bình chọn là một trong 6 doanh nghiệp thành công nhất nước Mỹ - những doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng và thành công bất chấp khó khăn. Khi đó cũng không ai biết rằng ông từng bị cô giáo lớp 2 gọi là "ngu ngốc" và kể từ đó, ông trở thành một cậu bé lặng lẽ và đơn độc, luôn ngồi ở góc cuối cùng của lớp. "Có lẽ các thầy cô phát mệt khi cứ phải thấy mặt tôi nên họ cho tôi lên lớp" - Ông Jay kể lại quá trình làm sao ông có được bằng tốt nghiệp cấp 2. "Tôi chỉ nhận toàn điểm C, D và F. Chỉ duy nhất một lần tôi có điểm A: Môn thực hành máy móc tự động". Sau khi tốt nghiệp, ông Jay mở một cửa hàng linh kiện máy móc nhỏ với 200 đôla duy nhất của mình, và chẳng bao lâu sau, ông đã thành một trong những doanh nhân thành công lớn. Ông bù đắp cho việc không biết đọc của mình bằng cách lắng nghe thật nhiều: Nghe đài, TV và nghe những người khác nói chuyện. Ông phát triển kỹ năng lắng nghe tập trung nên rất ít khi quên. Và tuy không biết chữ, nhưng khả năng tính toán và hình học của ông lại cực kỳ đáng nể. Nhưng cuối cùng ông cũng thú thật trước tất cả mọi người, khi đó giọng ông run lên và ông nghĩ rằng mình sẽ bị cười nhạo. Nhưng trái lại, tất cả mọi người đều động viên và tôn trọng ông. Nhờ sự khuyến khích đó, ông Jay tự tin tìm một giáo viên dạy ông đọc 5 ngày/ tuần, mỗi ngày một giờ đồng hồ. Bây giờ thì ông Jay đã đọc được rất nhiều sách. Ông cũng gửi nhận email hằng ngày, dù bà Bonnie vẫn phải giúp ông soạn thư gửi qua bưu điện khi ông quá bận. Nhưng mỗi lần nhắc đến quá khứ, ông không còn xấu hổ nữa mà hy vọng rằng câu chuyện của mình sẽ động viên mọi người, rằng mỗi người đều có điểm yếu và nếu bạn thật sự nỗ lực, bạn sẽ vượt qua được. "Chẳng có gì xấu hổ trong việc bạn kém hơn mọi người về một kỹ năng nào đó, dù là một kỹ năng cơ bản" - ông Jay nói - "Bạn chỉ phải xấu hổ nếu bạn cứ ngồi yên mà chẳng tìm cách nào để khắc phục điều đó".