Sunday, January 1, 2012

Không hiểu biết thì không thể thương yêu




Vua Pasenadi hỏi Bụt:

- Sa môn Gotama, có người nói rằng ngài chủ trương không nên thương yêu, bởi càng thương nhiều thì càng lo lắng nhiều, càng thương nhiều thì càng sầu khổ nhiều, càng thương nhiều thì càng thất vọng nhiều. Trẫm nghĩ rằng điều đó có thể đúng, nhưng trong lòng trẫm vẫn không yên. Trẫm nghĩ nếu không có thương yêu thì cuộc đời sẽ khô khan và vô vị lắm. Xin ngài giải giùm những nghi nan ấy cho trẫm.

Bụt nhìn vua:

- Đại vương, câu hỏi của ngài rất hay và nhiều người sẽ được khai sáng nhờ câu hỏi này. Tiếng thương yêu có nhiều nghĩa, ta phải xét cho kĩ về bản chất của từng loại thương yêu. Cuộc đời rất cần đến sự thương yêu, nhưng không phải của thứ thương yêu dựa trên căn bản của dục vọng, của đam mê và vướng mắc, của phân biệt và kì thị. Đại vương, có một thứ tình thương mà cuộc đời rất cần đến, đó là lòng từ bi. Từ là maitri, còn bi là karuna.

 
Đại vương, tình thương mà người đời thường nói tới là tình thương giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa những người trong cùng họ hàng thân tộc, cùng giai cấp hoặc cùng quốc gia. Vì tình thương ấy còn dựa vào ý niệm "tôi" và "của tôi" cho nên bản chất của nó còn là vướng mắc và phân biệt. Người ta chỉ muốn thương cha của mình, thương mẹ của mình, thương chồng của mình, thương vợ của mình, thương con của mình, thương cháu của mình, thương họ hàng của mình, thương đất nước của mình, cho nên người ta còn vướng mắc và phân biệt. Vướng mắc cho nên lo lắng về những bất trắc có thể xảy đến dù chúng chưa xảy đến, vướng mắc cho nên phải gánh chịu sầu đau và thất vọng mỗi khi những bất trắc xảy đến. Phân biệt cho nên có thái độ kì thị, hờ hững và ghét bỏ đối với những người mà mình không thương. Vướng mắc và phân biệt đều là những nguyên nhân của khổ đau, khổ đau cho mình và cho người. Đại vương, thứ tình thương mà muôn loài đang khao khát là lòng từ bi. Từ là thứ tình thương có thể đem đến an vui cho kẻ khác, bi là thứ tình thương có thể làm vơi đi những nỗi đau của kẻ khác. Từ bi là thứ tình thương không có điều kiện, không bắt buộc và không đòi hỏi bất cứ một sự đền đáp nào. Trong từ bi, người được thương không phải chỉ là cha ta, mẹ ta, vợ ta, chồng ta, con ta, huyết thống ta, giai cấp ta, quốc gia ta,... Kẻ được thương là tất cả mọi người và mọi loài. Trong từ và bi không có sự phân biệt ta và không ta, của ta và của không của ta. Vì không phân biệt nên cũng không có vướng mắc. Từ và Bi chỉ đem lại niềm vui và làm giảm đi nỗi khổ; Từ và Bi không gây lo lắng, sầu khổ và thất vọng. Thiếu Từ Bi, cuộc đời sẽ khô khan, khổ đau và buồn chán như đại vương nói. Có từ bi, cuộc đời sẽ có an lạc, hạnh phúc và vui tươi.

(...)

Những điều Bụt dạy trẫm xin lĩnh giáo để về chiêm nghiệm, bởi vì trẫm biết những lời dạy ấy có chiều sâu cần phải khám phá. Bây giờ trẫm xin hỏi ngài một câu hỏi thật đơn giản. Thói thường thì tình thương của người đời bao giờ cũng ẩn chứa những ý niệm phân biệt  và ít nhiều cũng mang tính chất đam mê và vướng mắc. Theo Bụt thì thứ tình thương này có thể gây nên lo lắng, sầu khổ và thất vọng. Vậy nếu không thương như thế thì ta phải thương làm sao? Ví dụ trẫm đây, trẫm phải thương con cái trẫm như thế nào để tránh được những lo lắng, sầu khổ và thất vọng?

 

- Không ai cấm cản chúng ta thương yêu, nhưng ta phải biết quán sát để thấy được bản chất của tình thương chúng ta. Tình thương theo lẽ thì phải đem lại cho người được thương yêu có an lạc và hạnh phúc. Nhưng nếu chỉ là đam mê, là ích kỉ, là ý chí chiếm hữu thì thình thương này không thực sự là tình thương, tình thương này không làm cho người được thương có an lạc và hạnh phúc. Trái lại nó làm cho kẻ kia thấy tù túng, lệ thuộc, mất hết tự do, mất hết phẩm cách của một người có tự do. Tình thương trong trường hợp này chỉ là một tù ngục. Nếu người được thương không có hạnh phúc, nếu người ấy tìm cách để phục hồi lại tự do cho mình, nói một cách khác, nếu người ấy không chấp nhận cái nhà tù của sự chiếm hữu thì tình thương kia sẽ dần dần biến thành sự ghét bỏ và hận thù.

Đại vương! Trong đạo lí giác ngộ, thương yêu phải đi đôi với hiểu biết, thương yêu chính là hiểu biết. Nếu không hiểu biết thì không thể thương yêu. Vợ chồng không hiểu nhau thì không thể thương nhau; anh em không hiểu nhau thì không thể thương nhau; cha con không hiểu nhau thì không thể thương nhau. Muốn cho một người nào có hạnh phúc, mình phải tìm hiểu cho được những ước vọng và những khổ đau của chính người ấy. Hiểu được rồi mình mới có thể làm mọi cách để cho người ấy bớt khổ đau và có hạnh phúc. Như vậy mới gọi là tình thương chân thật. Còn nếu mình chỉ muốn kẻ kia làm theo ý mình và không biết đến những khổ đau và những nhu cầu chân thực của người ấy thì đó không phải là thương. Đó chỉ là ước muốn chiếm hữu hoặc thỏa mãn ý nguyện của mình, cho dù đó là ý nguyện muốn cho người kia sung sướng.

 

(...)

 

Vua Pasenadi cảm thấy xúc động về những lời giảng huấn của Bụt nhưng ngài còn thắc mắc rằng, nếu ngài thương bằng tâm từ bi, ngài vẫn cảm thấy đau khổ. Chẳng hạn như ngài thương dân chúng của ngài nhưng mỗi khi thấy họ chịu cảnh lũ lụt thiên tai thì ngài vẫn cảm thấy đau khổ và thất vọng. Và ngay cả Bụt chắc cũng thế, Bụt không thể không đau khổ khi thấy người khác khổ đau vì bệnh hoạn, chết chóc.

- Câu hỏi của đại vương rất hay, nhờ có câu hỏi này mà ngài có thể hiểu sâu thêm về bản chất của từ bi. Trước hết, đại vương nên biết rằng những khổ đau do thứ tình thương có bản chất là đam mê và vướng mắc đem lại thì nặng nề  và to lớn gấp muôn vạn lần những khổ đau mà lòng từ bi làm phát khởi trong lòng ta. Kế đó, đại vương phải phân biệt hai loại khổ đau: Một loại khổ đau hoàn toàn là vô ích và chỉ có công dụng tàn phá cơ thể và tâm hồn con người; Một loại khổ đau nuôi dưỡng được lòng từ bi, ý thức trách nhiệm và đưa tới ý chí, hành động diệt khổ. Thứ tình thương có bản chất đam mê và vướng mắc vì được nuôi dưỡng trong tham đắm và si mê nên chỉ có thể đem lại những phiền não khổ đau làm tàn phá con người, trong khi từ bi chỉ nuôi dưỡng xót thương làm chất liệu cho hành động cứu khổ. Đại vương! Sự xót thương rất cần cho con người. Đó là một niềm đau có ích. Không biết xót thương thì con người không thể là con người, vì vậy những khổ đau do lòng xót thương đem lại là những khổ đau cần thiết và có ích lợi lớn.

Sau nữa, đại vương nên biết từ bi là hoa trái của sự hiểu biết. Tu tập theo đạo tỉnh thức là để chứng ngộ được thực tướng của cuộc sống. Thực tướng ấy là vô thường. Mọi vật đều vô thường, vô ngã, vì vậy không vật nào là không có ngày phải tan rã. Ngay cả thân thể của đại vương rồi cũng có ngày sẽ tàn hoại. Thấy được tự tính vô thường của vạn vật, người tu có cái nhìn điềm đạm và trầm tĩnh, vì vậy những vô thường xảy đến không làm xáo động được tâm mình. Cũng vì vậy niềm xót thương do lòng từ bi nuôi dưỡng không bao giờ có tính cách nặng nề và chua cay của những đau khổ thế tục. Trái lại, niềm xót thương này còn đem đến sức mạnh cho người tu đạo.

(Trích Đường xưa mây trắng - Thích Nhất Hạnh)

Chúng ta cứ tưởng rằng đã hiểu nhau lắm, đã thương nhau lắm. Nhưng thực ra, ta đã hiểu thế nào là một tình thương đúng nghĩa. Những đau khổ, thất vọng, chán nản vẫn đến vì ta chỉ muốn chiếm hữu, muốn thỏa mãn chính mình mà thôi. Ta chưa hề biết yêu thương.

1 comment:

quangtinh said...

Thương nhau tưởng đâu cần hiểu biết
Thương yêu nhau là việc con tim
Thương nhau hà tất đi tìm
Cái điều hiểu biết lẫn chìm trong nhau
Điều hiểu biết thuộc về lý trí
Hiểu cùng Thương:duy lý,duy tâm?
Bao giờ tôi cũng nguyện thầm
Mong người thương chẳng hiểu lầm tình tôi 11:28AM 4Jan12 Wed
Tôi cũng muốn thương cùng hiểu đúng
Hiểu mà thương thì cũng đỡ hơn
Hiểu là cãm nhận đừng hờn
Để cùng thông cãm thiệt hơn giãi bày
Để điều hiểu không sai sự thật
Đừng suy ngầm đóan trật tình thâm
Ngồi buồn tự trách thâm tâm
Vong niên mà vẫn hiểu lầm tình nhau 18:52PM 4Jan12 Wed
Tâm như hồ lặng
Phật là Sóng nên lòng lặng Sóng
Nứơc là Tâm nên rỗng cùng không
Phật trăng phản chiếu gương trong
Tâm như hồ lặng trăng không bóng viền
‘Không’ thực chất tùy duyên mà có
Phật – con đường một cổ xe thôi
Có không Không có cũng rồi
Sắc Không thực chất trau giồi Phật tâm
10:58 AM 3Jan12 Tuesday
Cãm tác từ bài kệ:
'Phật biết Phật không,Tâm biết tâm không,Khi Phật chuyển thân,Tâm biết Phật không'
Ôon Thích Thiện Siêu