Tuesday, November 29, 2011

CHÚNG TA LÀ NHỮNG CỨU TINH CỦA CHÍNH MÌNH

(CHẾT TRONG AN BÌNH – TỳKheo Visuddhacara – ThíchTâm Quang dịch)
Ðôi khi là một nhà sư tôi được yêu cầu đến tụng kinh cho tang lễ. Tôi cảm thấy buồn cho gia quyến của người chết nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy không giúp được gì vì có quá nhiều khó xử trong vai trò của một nhà sư đi tụng kinh đám tang.
Một ngày nọ, một phụ nữ trẻ tuổi đến gặp tôi. Cha cô mới chết sáng hôm đó. Ông mới chỉ 42 tuổi. Cô nói với tôi bằng tiếng Phúc Kiến: “Xin mời thầy đến tụng kinh. Xin thầy mở con đường cho cha tôi”. Tôi nhìn cô ta với tất cả tấm lòng từ bi mà tôi có thể tập trung. Tôi có thể cảm thấy sự bối rối và đau khổ của cô. Cô khoảng chừng 20 tuổi và là một người con gái có hiếu. Trong thâm tâm tôi nói thầm với mình: “Trời ơi tôi sẽ mở đường cho người như thế nào đây? Con đường tưởng tượng nào tôi sẽ vẽ trong không khí cho hồn tưởng tượng đặt chân lên? Làm sao tôi có thể nói với người phụ nữ trẻ tuổi tội nghiệp đang ở trong tình trạng buồn phiền và bối rối rằng:” không có con đường nào như cô có lẽ đã tưởng tượng như thế?”
Ðức Phật cũng có lần ở trong tình thế như vậy và Ngài đã trả lời ra sao?
Một hôm một người trẻ tuổi lại gần Ðức Phật và hỏi Ngài: “Bạch Thế Tôn, cha con chết. Xin mời Ðức Phật đến và cầu nguyện cho cha con, cứu độ linh hồn ông ấy để ông ấy có thể đi lên thiên đàng. Những người Bà La Môn cử hành những nghi thức này nhưng Ðức Phật lại còn mạnh hơn họ nhiều. Nếu Ngài sẽ làm điều đó, chắc chắn hồn cha con sẽ bay thẳng về thiên đàng”.
Ðức Phật trả lời, “Rất tốt, hãy đi ra chợ và đem về cho ta hai cái bình đất và một ít bơ”. Người trẻ tuổi sung sướng vì Ðức Phật đã hạ cố thi hành một số thần thông để cứu linh hồn cha của mình. Anh ta vội vã đi ra phố và mua các thứ mà Ðức Phật bảo. Ðức Phật chỉ dẫn cho anh ta để bơ vào một bình và để đá vào bình kia. Rồi ném cả hai bình đó xuống ao. Người trẻ tuổi làm theo và cả hai bình đều chìm xuống đáy ao. Rồi Ðức Phật tiếp tục: “Bây giờ hãy lấy một cái gậy và đập vỡ hai bình đó ở dưới ao”. Người trẻ tuổi làm theo. Hai cái bình bị đập vỡ và bơ thì nhẹ đã nổi lên còn hòn đá vì nặng nên vẫn ở dưới đáy ao.
Rồi Ðức Phật nói: “Bây giờ nhanh lên đi tập họp tất cả những thầy tu. Hãy nói với họ đến và tụng kinh để bơ chìm xuống và viên đá nổi lên.” Người trẻ tuổi nhìn Ðức Phật, sửng sốt, nói, “Bạch Ðức Thế Tôn, Ngài có nói thật không ạ. Chắc chắn Ngài không thể trông chờ bơ nhẹ mà chìm và đá nặng mà nổi. Ðiều đó ngược lại với qui luật tự nhiên.”
Ðức Phật mỉm cười và nói: “Này con, con đã thấy nếu cha con có một cuộc đời LƯƠNG THIỆN thì những HÀNH VI của ông cũng nhẹ như bơ cho dù thế nào thì ông cũng lên thiên đàng. Không ai có thể cản được, ngay cả đến ta. Không ai có thể chống lại NGHIỆP luật thiên nhiên.
Nhưng nếu cha ngươi có một cuộc đời BẤT THIỆN thì cũng giống như hòn đá nặng, cha ngươi sẽ bị chìm vào địa ngục. Dù tụng kinh nhiều đến đâu đi nữa bởi tất cả các thầy tu trên thế giới này cũng không thể gây thành khác được.”
Người trẻ tuổi hiểu rõ. Anh chữa lại quan niệm sai lầm của anh và ngừng đi loanh quanh đòi hỏi cái không thể được.
Nụ cười của Ðức Phật đã đi tới điểm: Không ai có thể cứu chúng ta, tối thiểu của tất cả sau khi chúng ta chết. Theo NGHIỆP luật, chúng ta là sở hữu chủ của những hành vi của chúng ta, chúng ta là người thừa hưởng những hành vi của chúng ta. Những hành vi của chúng ta thực sự là tài sản của chúng ta. Chúng là chỗ nương tựa thực sự của chúng ta, là những thân nhân thực sự của chúng ta. Chúng là trung tâm từ đó chúng ta xuất phát.
Khi chúng ta chết, chúng ta không mang được dù chỉ có một xu với chúng ta, hay bất cứ thứ đồ gì của cá nhân chúng ta. Cũng chẳng có thể mang được một trong những người thân để cùng đi với chúng ta. Giống như chúng ta đến một mình theo NGHIỆP của chúng ta thì chúng ta cũng phải ra đi một mình.
Nếu chúng ta hiểu rõ NGHIỆP luật, thì chúng ta sẽ cảm niệm thấy sống một cuộc đời LƯƠNG THIỆN quan trọng đến như thế nào trong khi chúng ta còn sống. Ðợi đến lúc chết thì sẽ quá muộn. Có một chút gì đó có thể làm được.

Saturday, November 26, 2011

Ước mơ và thất vọng

Một bài giảng hay của Thầy Thích Thái Hòa, học để thực tập chánh niệm.
* Ước mơ và thất vọng:

Thưa đại chúng! Ai trong chúng ta mà không có một lần mơ và ai trong chúng ta đã không có một lần thất vọng vì ước mơ của mình, người nào càng mơ ước nhiều, thì người đó càng thất vọng nhiều. Ở trong đời, người nào không có mơ ước thì người đó không có thất vọng, ước mơ ít, thì thất vọng ít, ước mơ nhiều, thì thất vọng nhiều, đó là một sự thật. Nhưng, tại sao chúng ta thấy vậy mà chúng ta cứ ước mơ, động cơ thúc đẩy để chúng ta ước mơ là do chúng ta không bằng lòng với cái mà chúng ta đang có và do chúng ta không bằng lòng với cái đang có, nên chúng làm cho chúng ta thất vọng. Chúng ta đang sống ở đây mà mơ lên thiên đàng, chúng ta đang sống ở đây mà mơ về cực lạc, đang sống ở đây mà mơ qua Mỹ. Một em bé mơ mình phải là một vị Nguyên Thủ quốc gia, một người đang đi học mơ mình sẽ là một tỷ phú, một người đang viết văn mơ mình sẽ là một nhà văn hào nổi tiếng Thế giới. Tất cả những mơ ước đó đã gậm nhấm và làm tiêu tan hạnh phúc, an lạc của rất nhiều người. Người mơ ước nhiều là người đang trốn chạy những cái hiện thực đang có ở nơi họ. Nhưng thử hỏi chúng ta có trốn chạy được những điều mà chúng ta đang có không? Chúng ta càng trốn chạy khỏi nó bao nhiêu, thì nó lại càng chạy theo chúng ta bấy nhiêu. Bởi vậy, chúng ta khổ đau nhiều, là do chúng ta trốn chạy cái hiện thực chúng ta đang có và chạy theo cái chúng ta chưa có.

* Đối diện và chuyển hóa:

Thưa đại chúng ! Nếu giả như quý vị ra khỏi chùa Từ Hiếu, có người hỏi quý vị rằng, quý vị mơ ước điều gì mà đến chùa Từ Hiếu để tu tập như thế. Nếu chúng ta có tu tập chánh niệm, thì chúng ta phải trả lời bằng trực giác, bằng trái tim của chúng ta, chứ không phải trả lời bằng thế giới của ý niệm, của biện luận. Có rất nhiều người đặt câu hỏi đó với tôi. Họ hỏi rằng, tôi tu để làm gì? Vì sao mà tôi đi tu? Tôi trả lời với họ rằng, tôi đi tu là để đi tu. Có đôi người đi tu mà không chịu tu, đi tu là một cái cớ để làm chuyện khác, vì thế nên họ ở trong chùa đến 30 năm, 40 năm, mà họ vẫn khổ đau, vẫn nhân ngã, vẫn sân si, vẫn cố chấp, vẫn bẩn thỉu như thường. Còn chúng ta đi tu là để tu, chứ không là gì khác, không mơ ước cái gì khác. Tu là nhìn vào sự thật để chuyển hóa. Chúng ta khổ là khổ ở nơi thân và tâm này, không có cái khổ ngoài thân và tâm này, cái khổ của tất cả chúng ta có gốc rễ từ nơi thân và tâm này. Chúng ta đi tu, chúng ta ngồi thiền, chúng ta niệm Phật, chúng ta thiền hành, chúng ta tụng Kinh, chúng ta bố thí, chúng ta cúng dường, chúng ta thương người, giúp vật, ... tất cả những cái đó là để nhận diện thật sâu sắc ở nơi cái thân và tâm của chúng ta, đồng thời để chúng ta loại bỏ dần các cảm thọ khổ ưu ở nơi thân và tâm của chúng ta. Như vậy, chúng ta tu tập không phải để trốn chạy sự thật, chúng ta tu tập để trở về nhận diện bản thân chúng ta một cách đích thực và để thấy rõ được bản thân chúng ta đang là cái gì trong đời sống hiện thực này. Chúng ta tu tập không phải để trốn chạy những cảm thọ khổ ưu, chúng ta tu tập để trở về nhận diện nơi tâm thức của chúng ta có những hạt giống nào đẩy chúng ta đi vào cửa ngõ thất vọng, đẩy chúng ta đi vào cửa ngõ tối tăm, chật hẹp. Khi những hạt giống đó khởi lên trên bề mặt ý thức, nó đẩy chúng ta đi tới với khung trời bé nhỏ, chật hẹp, đi vào con đường tuyệt lộ, thì chúng ta phải nhìn sâu vào hạt giống đó và chuyển hóa nó. Như vậy vấn đề tu học của chúng ta không phải là vấn đề trốn chạy, không phải chúng ta sợ khổ mà tu. Nếu chúng ta sợ khổ mà tu, thì chúng ta không bao giờ thoát khổ, bởi vì, chúng ta sợ cái gì, thì cái đó là mối đe dọa cho chúng ta. Chúng ta sợ ma, thì sẽ bị ma đe dọa. Chúng ta sợ quyền lực, thì sẽ bị quyền lực đe dọa. Chúng ta sợ khổ, thì sẽ bị khổ đe dọa. Có nhiều người chưa khổ, mà vị họ sợ khổ quá, cho nên họ héo hắt, sầu muộn. Có đôi người chưa chết, nhưng vì họ sợ chết quá, nên cái chết đến sớm hơn bình thường. Nhiều người sợ đau, sợ bệnh, nên họ hay bị bệnh. Bởi vì, khi chúng ta sợ hãi, thì thần kinh chúng ta bị căng thẳng, nên nó sinh hoạt không bình thường, tim sẽ đập không bình thường, não bộ của chúng ta suy nghĩ không bình thường, chính cái không bình thường đó đã đưa chúng ta đi đến với sự hủy diệt sớm hơn. Đáng lẽ ra chúng ta sống lâu hơn, sống thoải mái, sống an lạc, nhưng vì chúng ta sợ khổ, sợ bệnh, sợ chết, sợ quyền lực, sợ ma, sợ đủ thứ, nên, chúng ta chết sớm, chúng ta mất hết an lạc, thảnh thơi trong cuộc sống. Như vậy, chúng ta tu tập không phải là trốn chạy khổ đau, trốn chạy sự bất lực của chúng ta. Người tu tập, là người có nghị lực nhìn nhận những gì đang diễn ra nơi thân và tâm của mình. Người không có khả năng nhận diện những gì đang xảy ra nơi thân và tâm của mình, thì người đó không phải là người có nghị lực, người đó không có sức mạnh của đại hùng, người đó không phải là người có hiểu biết của đại trí và người đó không có được tình yêu thương của đại bi. Vì khi chính chúng ta còn không hiểu được chúng ta, thì làm sao chúng ta hiểu được người khác. Chúng ta không có năng lực làm cho chúng ta bình ổn, thì chúng ta làm sao làm cho người khác được bình ổn. Và khi chúng ta không có khả năng thương yêu chúng ta, thì chúng ta cũng không có khả năng yêu thương ai, chúng ta không thể che chở cho ai và giúp cho ai được. Chúng ta muốn giúp cho ai ra khỏi tình trạng bế tắc, thì trước hết chúng ta phải là những con người không bị bế tắc. Người ở tù thì làm sao xin cho người đang ở tù ra khỏi tù được, đó là một sự thật. Người không có hạnh phúc an lạc, thì không thể tạo ra được năng lượng hạnh phúc, an lạc cho người khác. Người có nhiều lo âu, sợ hãi, thì họ không thể trao tặng sự thanh thoát, trầm hùng cho người khác.

* Thân và tâm là thực tại nhiệm mầu:

Thưa đại chúng! Hiện tại chúng ta đang có bàn tay, chúng ta có đôi chân, chúng ta có mắt, mũi,... chúng ta có một thân thể toàn vẹn như thế, chúng ta có một tâm hồn tỉnh táo, sáng suốt, có nhận thức hiểu biết như thế, đó là một thực tại rất nhiệm mầu. Vì vậy, chúng ta phải biết quay lại với cái đầu của chúng ta, chúng ta phải biết nuôi dưỡng nó trong chiều hướng giải thoát, an lạc. Chúng ta đã có một thực tại mầu nhiệm, một thực tại đẹp hơn bất cứ một mơ ước nào. Có nhiều người mơ có cái đầu bình thường như chúng ta, nhưng không bao giờ có. Họ mơ có đôi mắt sáng, nhưng mơ ước đó không thành. Trong lúc đó, chúng ta có một thân thể đầy đủ như thế này, mà chúng ta không biết quay đầu trở lại để nhìn và thấy rằng thực tại của chúng ta đẹp hơn giấc mơ, chúng ta cứ chạy theo mơ mộng. Ngoài thân, chúng ta còn có tâm, trong tâm của chúng ta có đủ tất cả, Phật cũng có, Bồ Tát cũng có, Thánh Hiền cũng có, chư Thiên cũng có, Tu La, Ngạ Quỷ, Địa Ngục, Súc Sinh cũng có, cái hiền lành của loài người cũng có, cái dễ ghét của loài người cũng có, nghĩa là tất cả những gì khắp vũ trụ pháp giới này, từ Thánh tới Phàm đều có trong tâm thức của chúng ta. Vậy, chúng ta đi tìm cõi Phật ở đâu? Cõi Bồ Tát ở đâu? Chúng ta tránh xa Địa Ngục ở đâu? Nếu tâm của chúng ta đầy những hạt giống Ta Bà, thì thế giới Ta Bà hiện ra cùng khắp. Nếu tâm chúng ta đầy những hạt giống Cực Lạc, thì thế giới Cực Lạc hiện ra trước mắt của chúng ta. Trong tâm thức của chúng ta đầy dẫy những hạt giống Địa Ngục, thì ở đâu chúng ta cũng bị tiếp xúc với loài Địa Ngục. Trong tâm của chúng ta đầy những hạt giống của loài Súc Sinh, thì chúng ta đi đâu chăng nữa, chúng ta cũng phải tiếp xúc với loài Súc Sinh. Chúng ta đừng nghĩ rằng, chúng ta vào chùa, thì chúng ta sẽ tiếp xúc được với các bậc Thánh, nếu tâm chúng ta đầy những hạt giống súc sinh, Thánh ở đó mà chúng ta không thể tiếp xúc được. Chúng ta không tiếp xúc được với bậc Thánh, là vì, chúng ta bị chướng ngại bởi những hạt giống súc sinh trong tâm thức của chúng ta, nó hiện ra và tương ưng với cái súc sinh bên ngoài. Có nhiều vị không nhận ra cái súc sinh nơi tâm thức của mình, họ ôm cái súc sinh nơi họ mà đi tìm các bậc Thánh, họ tìm hết cả cuộc đời mà vẫn không thấy Thánh đâu, cái mơ ước của họ tan hoanh. Chúng ta muốn nhận ra một vị thầy đẹp, thì trước hết, chúng ta phải có một cái tâm đẹp, nếu chúng ta không có tâm đẹp, chúng ta sẽ không thấy được ai trong cuộc đời này đẹp cả, điều này rất là hiện thực. Có nhiều người đến Từ Hiếu, điện Phật trang nghiêm, đẹp biết bao, thế mà họ mang dép, đội nón để bước vào điện, nhìn lên bàn Phật. Phật có đó, nhưng tâm của họ là tâm súc sinh, tâm kiêu mạn, tâm bất kính, cho nên, họ không thấy Phật. Ai mà có tâm khiêm tốn, tâm Thánh hiền, tâm hiểu biết, thì khi người đó nhìn cái gì, cái đó cũng trở nên thánh thiện cả, cái gì cũng đẹp hơn giấc mơ. Do đó, thầy Nhất Hạnh đã nói rằng: “Thực tại đẹp hơn giấc mơ”, điều đó chúng tôi đã nhận ra được, thân của chúng ta đẹp hơn giấc mơ, tâm của chúng ta đẹp hơn giấc mơ. Bởi vì, giấc mơ chỉ là sự vẽ vời của tâm thức mà thôi, khi tâm đẹp, nó mới vẽ ra được những bức tranh đẹp, phải không quý vị? Bây giờ, chúng ta tu, chúng ta phải trở về làm chủ cho được tâm của chúng ta. Khi chúng ta không làm chủ tâm của chúng ta, chúng ta càng mơ, thì chúng ta càng thêm thất vọng mà thôi. Đức Phật dạy: “Tâm làm chủ các pháp.Tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả”. Tâm tạo thiên đường, tâm tạo địa ngục, tâm tạo ta bà, tâm tạo tịnh độ. Cho nên, chúng ta muốn mơ, thì chúng ta phải tu, chúng ta phải trở về tiếp xúc với tâm, làm chủ tâm. Khi chúng ta làm chủ tâm rồi, chúng ta thích vẽ cái gì thì nó ra cái đó. Chúng ta thích vẽ thiên đàng, nó ra thiên đàng. Chúng ta thích vẽ địa ngục mà chơi, nó ra địa ngục. Người thích vẽ để chơi, thì người đó đã làm chủ được tâm, tùy theo hoàn cảnh để thi thiết bản nguyện độ sinh. Chúng ta chưa làm chủ được tâm, chúng ta thích vẽ thiên đàng, nhưng nó ra con rắn Hổ, chúng ta thích vẽ Thánh, nhưng nó ra toàn là súc sinh,. . .Khi chúng ta thích vẽ Thánh nhưng, nó ra con rắn, con rít, thì chúng ta thất vọng lắm, chúng ta buồn lắm, người chưa làm chủ được tâm, họ càng mơ bao nhiêu, thì họ càng thất vọng bấy nhiêu. Bởi vì, thực tại là thực tại của tâm. Thế giới thiên hình vạn trạng là thiên hình vạn trạng của tâm. Ai làm chủ được tâm, người đó làm chủ được tất cả, ai không làm chủ được tâm, người đó mất tất cả. Cho nên, khi có ai đó hỏi quý vị lên chùa Từ Hiếu để làm gì? Thì quý vị nói rằng: “Chúng tôi lên chùa để học cách làm chủ tâm, nơi nào hướng dẫn cho chúng tôi cách làm chủ tâm, cách gạn lọc tâm, thì chúng tôi đến”. Khi chúng ta không gạn lọc tâm, không làm chủ tâm, chúng ta để cho tâm chúng ta chạy lăng xăng, vọng ngoại, thì lẽ đương nhiên, trong đời sống của chúng ta sẽ có nhiều khổ đau, thất vọng. Và khi chúng ta càng chạy trốn khổ đau, thì khổ đau lại càng theo chúng ta để đe dọa.

* Hạt giống và những điều thiện trong ta:

Thưa đại chúng! Bài pháp thoại đầu tiên Đức Phật giảng dạy cho năm anh em Kiều Trần Như đó là Tứ Diệu Đế. Đế đầu tiên được Đức Phật nói đến là khổ đế. Ngài nói khổ đế, là Ngài nói cho mọi người biết rằng, chúng ta chấp nhận cái khổ là chấp nhận cái hiện thực trong cuộc sống. Chúng ta không thể trốn chạy hiện thực, chúng ta phải nhìn sâu vào hiện thực, chấp nhận hiện thực và chuyển hóa nó. Do vậy, người tu là người không trốn chạy khổ đau, họ chấp nhận khổ đau và chuyển hóa nó. Có nhiều người thấy chồng làm khổ mình nhiều quá, nên họ muốn ly dị. Họ xin ly dị chồng tức là họ muốn trốn chạy chồng, trốn hoài không được, phải ra tòa để xin ly dị. Khi ly dị rồi, họ chưa ớn, nên còn muốn lấy chồng khác, họ tưởng tượng ra ông chồng mới này phải dễ thương hơn ông chồng trước, nên chạy đi kiếm tìm ông chồng như họ mơ ước. Nhưng khi kiếm tìm được ông chồng mới, họ ở với nhau cũng chỉ được vài ba ngày thôi, rồi thì họ cũng thất vọng, vì ông này cũng tệ quá, xấu quá. Vì sao như vậy? Vì bà ta quên rằng, cái khổ đau đó không phải do ông chồng đó đem lại, mà là do chính những hạt giống ái dục, hạt giống si mê, hạt giống hận thù, oán đối ở trong tâm thức của bà ta. Hạt giống xấu đó còn trong tâm thức của chúng ta chừng nào, thì chúng ta ở với ai, chúng ta cũng thất vọng. Và hạt giống xấu đó còn có trong tâm thức của chúng ta, thì người tốt cũng trở thành người nguy hiểm và đều trở thành nỗi khổ của chúng ta. Như vậy, nếu chúng ta thông minh, chúng ta biết quay đầu lại, nhìn sâu vào những hạt giống trong tâm thức của chúng ta và phải nhận ra rằng những hạt giống này là từ nơi tâm thức của chúng ta, oán đối này là nơi tâm thức của chúng ta, chúng ta ôm hạt giống đó lại để chuyển hóa, chứ không được trốn chạy.

Thưa đại chúng! Chỉ có người tu hành mới có thể chấp nhận được câu nói: tu hành là không còn ước mơ nào nữa cả. Thực ra, trong giới văn nghệ sĩ phàm tục, họ nói rằng, nếu không có mơ ước, thì sẽ không sáng tác được, không mơ ước, thì không sáng tạo được, đời không mơ ước, thì xem như không còn gì nữa. Họ nói rằng, mơ ước là động cơ thúc đẩy cho người ta sống. Bây giờ, đạo Phật lại tháo mơ ước ra khỏi cuộc đời, thì làm sao người ta sống! Có nhiều người viết sách, họ phản ứng rằng, tu là không lấy vợ, mà sống như thế thì còn gì nữa! Thật sự, đạo Phật tùy hoàn cảnh, tùy theo trình độ, tùy theo hạnh nguyện của mọi người, mà Đức Phật thiết lập giới pháp. Đối với hàng cư sĩ tại gia, Đức Phật thiết lập 5 giới, giới thứ ba nói chỉ không được tà dâm, còn giới xuất gia, thì phải đoạn trừ dâm dục. Người xuất gia đoạn trừ dâm dục, thì họ sẽ được quả vị giải thoát cao hơn. Người tại gia chỉ đoạn trừ tà dâm thôi, nên họ sẽ được quả thánh thấp hơn. Đức Phật nói rằng, muốn được quả Thánh cao nhất, thì phải triệt tiêu ngũ dục. Còn vừa thích làm thầy tu vừa thích hưởng ngũ dục của thế gian, ước mơ như vậy chỉ đưa đến thất vọng mà thôi. Cho nên, thất vọng nhiều là do chúng ta, chứ đâu phải do cuộc đời. Chúng ta không nhận diện được điều đó, nên trách cuộc đời, cuộc đời không đáng sống nữa. Cuộc đời xưa như thế, nay cũng như thế và tương lai cũng sẽ như thế. Có đáng chán chăng, thì chỉ nên chán những tâm niệm hẹp hòi, thấp kém nơi tâm thức của chúng ta, chúng ta phải chuyển hóa cho được những hạt giống đó. Nếu chúng ta mang tâm niệm buồn chán, thì chúng ta ở đâu cũng chán. Nếu chúng ta mang tâm trạng an lạc, thanh thoát, thì ở đâu chúng ta cũng thoải mái.

Thưa đại chúng! Cách đây mấy năm, tôi có làm bài thơ:

“Biết vui thì ở nơi này

Với hoa cỏ lá cũng đầy mộng mơ

Biết vui am đá hóa thơ

Cõi này cũng đẹp còn mơ cõi nào

Cõi này cũng có trăng sao

Có ngàn vạn lối để vào như nhiên

Thông reo hát đá tham thiền

Cõi huyền nhiệm đó mệt tìm nơi đâu

Cõi huyền giữa cõi bể dâu

Nếu không dâu bể có đâu cõi huyền”

Thưa đại chúng! Chúng ta muốn làm đẹp cuộc đời, nhưng không tự làm đẹp tâm mình, thì chúng ta không thể nào làm đẹp cuộc đời. Muốn làm đẹp cuộc đời, trước hết chúng ta phải làm đẹp tâm của chúng ta. Muốn ổn định cuộc đời, trước hết chúng ta phải có khả năng tự ổn định tâm của chúng ta. Sở dĩ xã hội có nhiều loạn lạc, là vì tâm con người loạn lạc. Khi tâm của chúng ta ổn định, thì cái loạn bên ngoài sẽ tùy theo tâm mà ổn định. Khi tâm của chúng ta loạn, nếu chúng ta muốn chuyển cảnh, thì cảnh đó cũng trở thành loạn. Do đó, chúng ta phải biết trở về nhận diện những gì đang có với những điều kiện đang có, thì chúng ta sẽ có vô vàn hạnh phúc. Con mắt này, nếu chúng ta sử dụng chúng thiếu chánh niệm, nó sẽ tạo ra vô số tội lỗi, vậy tại sao, chúng ta không sử dụng nó để tạo ra vô số hạnh phúc cho chúng ta? Có những loài không có mắt, còn chúng ta đã có con mắt như thế này, sự hiện diện của hai con mắt rất là mầu nhiệm, chúng ta có được là vì chúng ta có một gốc rễ rất quý, nên chúng ta đừng nhìn cuộc đời bằng con mắt sầu muộn, chúng ta phải biết đem con mắt này để nhìn cuộc đời bằng sự thương yêu, khi đó chúng ta sẽ thấy được cuộc đời đẹp và quý. Như vậy, con mắt là một điều kiện của hạnh phúc mà chúng ta có, chúng ta không mơ ước gì nữa, chúng ta phải trở về để nuôi dưỡng hai con mắt. Hai lỗ mũi chúng ta có đây là một điều kiện của hạnh phúc. Nếu chúng ta sử dụng lỗ mũi thiếu chánh niệm để ngửi bậy, thì chúng ta sẽ biến cái thực tại mầu nhiệm của hạnh phúc đó thành một thực tại khổ đau và thất vọng. Nếu chúng ta sử dụng lỗ mũi có chánh niệm tỉnh giác, thì chúng ta có hạnh phúc rất lớn, dễ gì mà chúng ta có lỗ mũi đẹp. Có nhiều người mũi bị trịt, không thở được, nên chúng ta có được lỗ mũi bình thường như thế này là chúng ta đã có được một thực tại mầu nhiệm, một điều kiện tất yếu để tạo nên hạnh phúc. Chúng ta có hai lỗ tai, hai lỗ tai là một thực tại mầu nhiệm mà chúng ta đang có, nếu chúng ta biết trở về tiếp xúc với hai lỗ tai của chúng ta, thì chúng ta sẽ thấy rằng, chúng ta đang có điều kiện để tạo nên hạnh phúc an lạc cho mình và cho người. Nếu chúng ta không biết trở về tiếp xúc với hai lỗ tai của chúng ta, chúng ta không nuôi dưỡng hai lỗ tai của chúng ta bằng chất liệu chánh niệm, bằng chất liệu tỉnh giác, bằng chất liệu tuệ giác, thì hai lỗ tai này tức khắc trở thành một thực tại khổ đau và chúng ta sẽ có nhiều ưu não. Có nhiều khi chúng ta nghe ai đó nói một câu thôi, có thể tối về chúng ta bị mất ngủ, chúng ta bị mất ngủ là do ai? Do người nói hay do chúng ta quá vụng về khi sử dụng lỗ tai của mình, vì chúng ta vụng về không biết sử dụng nó cho mục tiêu tốt đẹp, chúng ta không biết nuôi dưỡng nó, nên nó trở thành một thực tại khổ đau. Có nhiều khi chúng ta bực bội quá, đau khổ quá, không thích nghe nữa, muốn đâm thủng hai lỗ tai cho rồi! Nhưng khi lỗ tai thật sự bị điếc rồi, chúng ta thấy người khác nói, nhưng ta không biết gì, thì chúng ta bực lắm, chúng ta sẽ bị rơi vào một thực tại khổ đau khác. Cho nên, lỗ tai là một phương tiện, một điều kiện tất yếu để cho chúng ta đi vào thế giới an lạc, hạnh phúc. Nhưng lỗ tai cũng là một điều kiện tất yếu để chúng ta đi vào chìm đắm trong thế giới khổ đau, thế giới của hận thù, thế giới của bất mãn.

* Ý thức và bài học ngồi trên đất;

Thưa đại chúng! Một câu chuyện trong kinh Bảo Tích nói rằng, có một anh chàng ném một viên đá vào con chó, con chó đau quá, nó sủa, nó chạy theo cục đá, nó gầm gừ với cục đá, nó cho rằng cục đá đã làm nó đau, nó tức. Cũng vậy, khi ta nghe mà bực mình, ta giận người nói chúng ta, thì cũng giống con chó sủa cục đá vậy. Người nói hay lỗ tai của chúng ta đâu có phải là kẻ tạo ra sự khổ đau, chính cái tâm, thái độ của chúng ta trong lúc nghe mới là chủ yếu tạo nên an lạc, hạnh phúc hay tạo nên khổ đau trong đời sống của chúng ta. Cho nên, bây giờ chúng ta đã có hai lỗ tai đang nghe được như là của báu, chúng ta đang có điều kiện của hạnh phúc, chúng ta còn đi tìm đâu nữa! Cái túc duyên, phước báu của chúng ta đã có đủ, tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta để lại cho chúng ta đầy đủ hai lỗ tai, vậy tại sao chúng ta không trở về tiếp xúc, nhận diện lỗ tai, để thấy được giá trị đích thực của lỗ tai. Và ai là người điều khiển nó, chúng ta chuyển cách điều khiển nó, động cơ điều khiển nó, thì chúng ta sẽ có hạnh phúc, an lạc ngay trong đời sống hàng ngày. Cũng vậy, có nhiều người mũi bị điếc, mũi điếc là một bất hạnh, nghĩa là không thưởng thức mùi gì được, mùi bất tịnh cũng không hề hay biết là bất tịnh. Như vậy, mũi là một điều kiện của hạnh phúc. Cái miệng cũng thế, chúng ta đang có cái miệng đang nói được, đó là một điều kiện của hạnh phúc, một thực tại mầu nhiệm, tại sao chúng ta không sử dụng nó để đi vào một thực tại hạnh phúc, mà lại sử dụng nó để đi vào một thực tại khổ đau. Cho nên, đối với tôi, tôi không mơ ước gì hết, tôi đã có miệng rồi, tổ tiên, ông bà, ba mẹ đã cho chúng ta cái miệng một cách trọn vẹn, trời đất đã cho chúng ta cái miệng trọn vẹn, phước báo nhiều đời nhiều kiếp đã tạo cho chúng ta cái miệng trọn vẹn, cho nên chúng ta không mơ ước gì hết, chúng ta phải biết trở về nuôi dưỡng cái miệng trong chiều hướng thánh thiện, chúng ta nói lên những lời như thật, từ ái, dễ thương, dễ nghe. Khi chúng ta nói lên những lời như thế tức là để cho lỗ tai của chúng ta nghe, rồi từ đó nó sẽ được não bộ cất giữ, đẩy xuống tiềm thức, A lại gia thức. Khi A lại gia thức toàn là những hạt giống dễ thương, những hạt giống từ ái, những hạt giống lành mạnh, nó sẽ biểu hiện lên bề mặt ý thức của chúng ta và ý thức của chúng ta lúc nào cũng biểu hiện ra những lời nói lành mạnh, dễ thương, nên người đó đi đâu, ở đâu cũng đem lại hạnh phúc, an lạc cho mình và cho mọi người. Như vậy, chúng ta còn mơ ước gì nữa, chúng ta không còn gì để thất vọng. Có người gặp tôi, họ kính đề nghị tôi làm chức này, giữ vị trí khác. Tôi chỉ cười, tôi nói rằng, tôi đã có chỗ ngồi rồi, tôi không còn mong gì nữa. Họ hỏi tôi rằng, tôi ngồi ở đâu? Tôi nói với họ rằng, tôi ngồi dưới đất, ngồi dưới đất thì khỏi té, phải không? Nếu có té thì cũng chẳng sao, còn ngồi trên ghế, thì nguy hiểm lắm, họ vui thì họ dắt ghế, họ buồn thì họ cất ghế, khi đó mình phiền lắm, vì vậy mà tôi không có ngồi trên ghế nữa, chỉ xin ngồi dưới đất thôi. Cách đây khoảng 6 năm, có người đến vận động tôi ra làm việc cho Giáo Hội, khi nào có điều kiện sẽ trả lại trung tâm Liễu Quán lại cho Giáo Hội, tôi sẽ làm giám đốc trung tâm văn hóa Liễu Quán thế vai trò của Thượng Tọa Đức tâm. Nhưng tôi chỉ lắng nghe thôi, bởi vì, tôi biết rằng, tôi có 2 lỗ tai quý báu, là một điều kiện của hạnh phúc, cho nên tôi lắng nghe, nghe rồi, tôi biết tôi có cái miệng là một điều kiện của hạnh phúc, của phước báu, cho nên tôi cười. Sau khi tôi lắng nghe và cười, tôi biết rằng con mắt của tôi là một điều kiện của hạnh phúc, con mắt là một thực tại mầu nhiệm, tôi không để cho nó rơi vào thực tại khổ đau, nên tôi nhìn mấy người đó một cách thương xót, tôi nói rằng, thưa quý vị! Tôi tưởng rằng đi tu để làm gì chứ! Còn đi tu để làm giám đốc trung tâm văn hóa Liễu Quán, thì quê mùa quá. Nếu đi tu để làm giám đốc trung tâm văn hóa Liễu Quán, thì tôi ở ngoài đời, tôi cố gắng học để tôi làm Tổng thống, làm Thủ tướng, chứ làm giám đốc để làm chi. Tổng thống hay Thủ tướng tôi còn không thèm làm, bởi vì tôi thấy ngồi bất cứ chỗ nào trên danh lợi của cuộc đời cũng là ngồi trên gai, trên lửa. Tôi đã ngồi được trên đất rồi, chỗ ngồi đó là Như Lai tòa. Như Lai tòa là tòa ngồi nơi tất cả các pháp đều Không. Tôi đã có cái pháp tòa để ngồi rồi, nên tôi không tranh ai giữa này để ngồi nữa, ai chưa có chỗ ngồi, thì để cho họ ngồi, còn tôi đã có chỗ ngồi, tôi không ham gì giữa này. Họ nghe tôi nói như vậy, họ chắp tay lại, họ nói rằng, Thầy khác người quá. Tôi nói rằng, mỗi người có mỗi cách suy nghĩ riêng, không ai giống ai và bắt mọi người phải giống mình thì đó là một điên đảo. Chúng ta phải thấy thực tại của thế giới là không ai giống ai, nếu không nhận ra được điều đó chúng ta sẽ thất vọng, buồn chán và chúng ta sẽ trở thành lố bịch. Vì vậy, họ không giống tôi và tôi không giống họ, tôi không có tham vọng họ phải giống tôi và tôi cũng không điên đảo chi để giống họ. Họ cười, họ cảm ơn và ra về, họ học được bài học “ngồi trên đất”.

* Tiếp nhận với ý thức chánh niệm:

Quý vị phải thấy được chúng ta tu tập, nhưng nếu thiếu chánh niệm, thì chúng ta hay giong ruổi bên ngoài để tìm kiếm những cái không là gì trong đời sống đích thực của chúng ta. Mục đích của chúng ta là tu tập để có hạnh phúc, an lạc, giải thoát và đi đến với cái không bị mắc kẹt. Chúng ta sống mà không bị mắc kẹt, chúng ta sẽ giàu, chúng ta có thể thong dong tự tại khắp cả mười phương thế giới. Trái lại, khi chúng ta sống bị mắc kẹt, thì chúng ta đã tự nhốt chúng ta ở trong nhà tù mà chúng ta không hề hay biết. Bình thường, người thấp kém thì kẹt nơi cái ăn, cái uống, người có trí thức thì kẹt nơi văn chương, chữ nghĩa, người có quyền lực, thì kẹt nơi địa vị. Ở bất cứ địa vị nào, khi chúng ta làm việc gì mà tâm bị kẹt, thì chúng ta cũng đều trở thành người nghèo, bị trói buộc, thất vọng, không hạnh phúc và chúng ta có bị kẹt hay không cũng đều do nơi tâm thức của chúng ta mà ra. Chúng ta tu là chúng ta làm mọi công việc với tâm không bị mắc kẹt. Chúng ta làm bánh, nhưng tâm chúng ta không bị mắc kẹt nơi cái bánh, thì bánh rất ngon, bánh đó là bánh giải thoát. Còn khi chúng ta làm bánh với tâm bị mắc kẹt, thì bánh đó là bánh của ái triền. Lấy vợ, nhưng không bị mắc kẹt nơi vợ, thì vợ đó là thiện hữu tri thức. Lấy vợ, nhưng bị mắc kẹt nơi vợ, thì vợ đó là oan gia. Lấy chồng, nhưng không mắc kẹt nơi chồng, thì chồng đó là người hộ pháp, là thiện hữu tri thức. Lấy chồng, nhưng bị mắc kẹt, thì chồng đó là nợ nần phải trả. Như vậy, người biết tu tập, người đó làm hết mọi công việc với tâm không bị mắc kẹt. Khi đó, vị đó rất thoải mái, hạnh phúc, an lạc, thong dong trong hiện tại. Hiện tại là một thực tại mầu nhiệm với những gì chúng ta đang có đây và chúng ta có nên hẹn để ngày mai rồi tu không? Chúng ta đang có thân thể mầu nhiệm như thế này, có cả giang sơn gấm vóc, có thầy, có bạn, có cả dòng dõi, có cả lịch sử và các bậc thánh hiền đã trao truyền cho chúng ta tam tạng giáo điển một cách trọn vẹn như thế, chúng ta đã có quá đầy đủ rồi, chúng ta không còn thiếu cái gì nữa để mơ ước, nên bây giờ chúng ta không lo tu, thì đợi đến bao giờ nữa. Cách đây 8 năm, trong một buổi nói chuyện tại chùa Linh Mụ, tôi có gặp nhà văn Trần Dần, Phùng Quán, Pham Hữu Loan. Trần Dần có nói với tôi rằng: “Cái kho tàng văn hóa của nhân loại đã được các bậc Thánh thương con người mà thiết lập một cách trọn vẹn rồi, bây giờ kẻ hậu bối chúng ta, thường tự xem là văn minh tuyệt vời, thì dù có muốn thêm một dấu phẩy thôi, cũng không biết thêm vào đâu nữa”. Cho nên, quý vị phải thấy được các vị Thánh Hiền, các vị Minh Triết, vì thương thế hệ con cháu chúng ta mà cái gì đáng nói, các Ngài đã nói hết, cái gì đáng làm, các Ngài đã làm, các Ngài đã giúp cho chúng ta thấy được thực tại mầu nhiệm của chúng ta. Các Ngài nói, làm là để cho chúng ta sống đẹp, hướng dẫn cho chúng ta sống đẹp, bây giờ, chúng ta có chịu sống đẹp hay không là quyền của chúng ta. Chúng ta không được đổ lỗi cho bất cứ một ai, bất cứ một cái gì trên cuộc đời này, dù là ngọn cỏ hay là con kiến, con sâu, cái bất hạnh đến với chúng ta là do chúng ta tạo nên. Mặt trời, mặt trăng, trái đất, đại dương, dòng sông, cỏ cây, rong rêu có mặt là giúp chúng ta nhận ra thực tại mầu nhiệm. Con trâu, con chó, con mèo có mặt là giúp chúng ta nhận ra được sự tương quan, tương sinh để chúng ta sống có hạnh phúc. Ngay hạt cát nằm lạc loài giữa lòng sông cũng giúp chúng ta sống hạnh phúc. Nếu không có hạt cát giữa lòng sông, thì làm sao có thiền đường Trăng Rằm để chúng ta ngồi tu tập. Như vậy, một hạt cát mà còn có ý nghĩa như thế, huống chi chúng ta là con người, chúng ta có thân thể đầy đủ, có tâm hồn, tại sao chúng ta vẫn cảm thấy khổ? Chúng ta kêu khổ, là vì chúng ta quá tham, quá kiêu ngạo, vì chúng ta nhận thức sai lầm đối với thực tại mầu nhiệm đang có mặt chung quanh chúng ta. Chúng ta khổ là do chúng ta, chúng ta phải trở về nhận diện ở nơi chính bản thân chúng ta để thấy rằng, chúng ta đang có mặt là một thực tại mầu nhiệm đang có mặt và chúng ta phải biết nuôi dưỡng thực tại đó trong đời sống hàng ngày của chúng ta qua phương pháp chánh niệm tỉnh giác. Chúng ta càng có chánh niệm tỉnh giác bao nhiêu, thì chúng ta càng tránh khỏi lầm lỗi trong đời sống hàng ngày bấy nhiêu. Trái lại, nếu chúng ta sống thiếu chánh niệm tỉnh giác, thì chúng ta sẽ mắc phải lỗi lầm, chúng ta rơi vào tình trạng thất vọng, khổ đau. Khi chúng ta thất vọng, chúng ta càng mơ ước bao nhiêu, thì chúng ta càng thất vọng bấy nhiêu. Cứ thế mà cuộc đời của chúng ta đi từ khổ đau này đến khổ đau khác. Bây giờ, chúng ta tu tập tức là chúng ta dùng chánh niệm tỉnh giác để đập vỡ tâm thức ước mơ của chúng ta. Bởi vì, ước mơ đó đã đẩy chúng ta trở thành một đứa con hoang đi rong, tìm kiếm, lạc loài bơ vơ và thất vọng. Chúng ta là những người con có cha, có mẹ, có dòng dõi tâm linh, không có lý do nào chúng ta lại để cho chúng ta trở thành những đứa con hoang như thế. Chúng ta phải trở về ngồi thật sâu lắng, thực tập chánh niệm mỗi ngày, chúng ta càng thực tập chánh niệm bao nhiêu, thì cái vụng dại của chúng ta càng tiêu tan đi bấy nhiêu, trí tuệ của chúng ta càng sáng chói lên bấy nhiêu, giới đức của chúng ta càng tỏa rạng ra và định lực của chúng ta càng hùng tráng lên. Bởi vậy, thiền sư Nhất Hạnh có nói rằng: “Nếu một người càng thực tập chánh niệm, thì càng tránh đi những lỗi lầm trong đời sống hàng ngày của mình”. Thiền sư Nhất Hạnh có kể rằng, ngày xưa còn bé, có lần làm thị giả cho Sư Ông Chơn Thiệt, bưng cơm hầu Sư Ông mà bị thiếu đũa, nhưng Thị giả lại không biết, Sư Ông vẫn ngồi vào bàn ăn và dùng thìa để ăn. Khi ăn xong, Sư Ông Chơn Thiệt mới kêu Thị giả vào và nói rằng, này chú! Ngoài vườn của mình có tre không? Chú Thị giả mới trả lời rằng, dạ bạch Sư Ông, dạ có tre cán giáo. Chú hỏi tiếp rằng, bạch Sư Ông, Sư Ông hỏi tre để làm gì? Sư Ông mới bảo rằng, chú chặt vài cây tre để làm đũa. Khi đó vị Thị giả nhìn vào mâm cơm không có đũa, mới biết rằng chú thiếu chánh niệm, nên dọn cơm cho thầy mình mà thiếu đũa. Và Sư Ông Chơn Thiệt, vì ở trong chánh niệm nên không la chú. Thiền sư Nhất Hạnh bảo rằng, tôi nhớ chuyện đó suốt đời và không bao giờ để sai nữa. Cho nên, nếu chúng ta thiếu chánh niệm, thì chúng ta có thể dọn cơm thiếu đũa đến lần thứ hai, thứ ba... Điều này chúng ta cũng có thể học hỏi được, bởi vì nó cũng là chuyện thường xảy ra ở trong gia đình. Nếu chúng ta thiếu chánh niệm, thì khi đó chúng ta sẽ sử dụng cái miệng của chúng ta cho mục tiêu thấp kém, khi đó gia đình chúng ta sẽ trở thành địa ngục. Trái lại, nếu chúng ta có chánh niệm, chúng ta sử dụng những lời lẽ dễ thương để đối xử với nhau, thì không khí gia đình sẽ ấm cúng, hạnh phúc ngay. Vậy, tại sao chúng ta không chịu tu tập chánh niệm? Chúng ta còn mơ ước điều gì nữa? Chúng ta phải thấy được rằng, mỗi thân tâm của chúng ta là một nguồn năng lượng hạnh phúc và an lạc, hạnh phúc đó không phải là ước mơ, mà nó đã trở thành một điều kiện hiện thực trong gia đình của chúng ta.

Như vậy, gia đình của chúng ta, ông, bà, ba, mẹ, anh, em, vợ, chồng, con cái là một thực tại, nếu chúng ta được trang bị bằng năng lượng chánh niệm, tỉnh giác, bằng năng lượng yêu thương hàng ngày, bằng sự giúp nhau cho mục tiêu cao đẹp, thì chúng ta không cần mơ cõi tịnh độ mà tịnh độ cũng có ngay đây. Chúng ta chỉ cần thực tập là chúng ta trở thành thánh ngay, gia đình của chúng ta trở thành cõi tịnh độ ngay. Tịnh độ không phải là cõi ước mơ, làm thánh không phải là một điều hứa hẹn, mà chúng ta chỉ cần quay về nhận diện thật sâu sắc, nuôi dưỡng thân và tâm trong chánh niệm, tỉnh giác là ngày nào chúng ta cũng có hạnh phúc, an lạc. Cái hạnh phúc lớn lao nó phải bắt đầu từ những hạnh phúc nhỏ bé. Nếu chúng ta loại bỏ hạnh phúc, an lạc trong cái nhỏ, thì chúng ta sẽ không có hạnh phúc lớn trong cuộc đời. Người ta thường ưa làm chuyện lớn mà không ưa làm chuyện nhỏ. Nhưng vì, cái lớn nào cũng bắt đầu từ cái nhỏ, cái lớn là cái phóng đại của cái nhỏ, cái nhỏ là cái lõi của cái lớn. Do đó, chúng ta muốn có hạnh phúc lâu dài, chúng ta phải tạo ra năng lượng hạnh phúc của chính bản thân trong từng cử chỉ, trong từng động tác, trong từng lời nói nho nhỏ của chúng ta. Và nếu chúng ta có hạnh phúc trong từng động tác nhỏ đó, thì chắc chắn rằng chúng ta có được hạnh phúc rất lớn, rất bền không những trong hiện tại mà trong tương lai, không những trong đời này mà vô số đời sau nữa. Như vậy, chúng ta có thấy thực tại đẹp hơn giấc mơ không!

(Học trò Nhuận Thuần Nguyên kính ghi từ băng giảng)

Wednesday, November 23, 2011

Những lời vàng ngọc

1. Sở dĩ người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm.

2. Nếu anh không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không cách nào gây phiền não cho anh. Vì chính tâm anh không buông xuống nỗi.

3. Anh hãy luôn cảm ơn những ai đem đến nghịch cảnh cho mình.

4. Anh phải luôn mở lòng khoan dung lượng thứ cho chúng sanh, cho dù họ xấu bao nhiêu, thậm chí họ đã làm tổn thương anh, anh phải buông bỏ, mới có được niềm vui đích thực.

5. Khi anh vui, phải nghĩ rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi anh đau khổ, anh hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn.

6. Sự chấp trước của ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai.

7. Anh có thể có tình yêu nhưng đừng nên dính mắc, vì chia ly là lẽ tất nhiên.

8. Đừng lãng phí sinh mạng của mình trong những chốn mà nhất định anh sẽ ân hận.

9. Khi nào anh thật sự buông xuống thì lúc ấy anh sẽ hết phiền não.

10. Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành.

11.Người cuồng vọng còn cứu được, người tự ti thì vô phương, chỉ khi nhận thức được mình, hàng phục chính mình, sửa đổi mình, mới có thể thay đổi người khác.

12. Anh đừng có thái độ bất mãn người ta hoài, anh phải quay về kiểm điểm chính mình mới đúng. Bất mãn người khác là chuốc khổ cho chính anh.

13. Một người nếu tự đáy lòng không thể tha thứ cho kẻ khác, thì lòng họ sẽ không bao giờ được thanh thản.

14. Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác.

15. Hủy diệt người chỉ cần một câu, xây dựng người lại mất ngàn lời, xin anh “ đa khẩu hạ lưu tình”.

16.Vốn dĩ không cần quay đầu lại xem người nguyền rủa anh là ai? Giả sử anh bị chó điên cắn anh một phát, chẳng lẽ anh cũng phải chạy đến cắn lại một phát?

17. Đừng bao giờ lãng phí một giây phút nào để nghĩ nhớ đến người anh không hề yêu thích.

18. Mong anh đem lòng từ bi và thái độ ôn hòa để bày tỏ những nỗi oan ức và bất mãn của mình, có như vậy người khác mới khả dĩ tiếp nhận.

19. Cùng là một chiếc bình như vậy, tại sao anh lại chứa độc dược? Cùng một mảnh tâm tại sao anh phải chứa đầy những não phiền như vậy?

20. Những thứ không đạt được, chúng ta sẽ luôn cho rằng nó đẹp đẽ, chính vì anh hiểu nó quá ít, anh không có thời gian ở chung với nó. Nhưng rồi một ngày nào đó khi anh hiểu sâu sắc, anh sẽ phát hiện nó vốn không đẹp như trong tưởng tượng của anh.

21. Sống một ngày là có diễm phúc của một ngày, nên phải trân quý. Khi tôi khóc, tôi không có dép để mang thì tôi lại phát hiện có người không có chân.

22.Tốn thêm một chút tâm lực để chú ý người khác chi bằng bớt một chút tâm lực phản tỉnh chính mình, anh hiểu chứ?

23. Hận thù người khác là một mất mát lớn nhất đối với mình.

24. Mỗi người ai cũng có mạng sống, nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó, thậm chí trân quý mạng sống của mình hơn. Người không hiểu được mạng sống thì mạng sống đối với họ mà nói chính là một sự trừng phạt.

25. Tình chấp là nguyên nhân của khổ não, buông tình chấp anh mới
được tự tại.

26. Đừng khẳng định về cách nghĩ của mình quá, như vậy sẽ đỡ phải hối hận hơn.

27. Khi anh thành thật với chính mình, thế giới sẽ không ai lừa dối anh.

28. Người che đậy khuyết điểm của mình bằng thủ đoạn tổn thương người khác là kẻ đê tiện.

29. Người âm thầm quan tâm chúc phúc người khác, đó là một sự bố thí vô hình.

30. Đừng gắng sức suy đoán cách nghĩ của người khác, nếu anh không phán đoán chính xác bằng trí huệ và kinh nghiệm thì mắc phải nhầm lẫn là lẽ thường tình.

31. Muốn hiểu một người, chỉ cần xem mục đích đến và xuất phát điểm của họ có giống nhau không, thì có thể biết được họ có thật lòng không.

32. Chân lý của nhân sinh chỉ là giấu trong cái bình thường đơn điệu.

33. Người không tắm sửa thì càng xức nước hoa càng thấy thối. Danh tiếng và tôn quý đến từ sự chân tài thực học. Có đức tự nhiên thơm.

34. Thời gian sẽ trôi qua, để thời gian xóa sạch phiền não của anh đi.

35. Anh cứ xem những chuyện đơn thuần thành nghiêm trọng, như thế anh sẽ rất đau khổ.

36. Người luôn e dè với thiện ý của người khác thì hết thuốc cứu chữa.

37. Nói một lời dối dang thì phải bịa thêm mười câu không thật nữa để đắp vào, cần gì khổ như vậy?

38. Sống một ngày vô ích, không làm được chuyện gì, thì chẳng khác gì kẻ phạm tội ăn trộm.

39. Quảng kết chúng duyên, chính là không làm tổn thương bất cứ người nào.

40. Im lặng là một câu trả lời hay nhất của sự phỉ báng.

41. Cung kính đối với người là sự trang nghiêm cho chính mình.

42. Có lòng thương yêu vô tư thì sẽ có tất cả.

43. Đến là ngẫu nhiên, đi là tất nhiên. Cho nên anh cần phải “ tùy duyên mà hằng bất biến, bất biến mà hằng tùy duyên”.

44. Từ bi là vũ khí tốt nhất của chính anh.

45. Chỉ cần đối diện với hiện thực, anh mới vượt qua hiện thực.

46. Lương tâm là tòa án công bằng nhất của mỗi người, anh dối người khác được nhưng không bao giờ dối nỗi lương tâm mình.

47. Người không biết yêu mình thì không thể yêu được người khác.

48. Có lúc chúng ta muốn thầm hỏi mình, chúng ta đang đeo đuổi cái gì? Chúng ta sống vì cái gì?

49. Đừng vì một chút tranh chấp mà xa lìa tình bạn chí thân của anh, cũng đừng vì một chút oán giận mà quên đi thâm ân của người khác.

50. Cảm ơn thượng đế với những gì tôi đã có, cảm ơn thượng đế những gì tôi không có.

51. Nếu có thể đứng ở góc độ của người khác để nghĩ cho họ thì đó mới là từ bi.

52. Nói năng đừng có tánh châm chọc, đừng gây thương tổn, đừng khoe tài cáng của mình, đừng phô điều xấu của người, tự nhiên sẽ hóa địch thành bạn.

53. Thành thật đối diện với mâu thuẩn và khuyết điểm trong tâm mình, đừng lừa dối chính mình.

54. Nhân quả không nợ chúng ta thứ gì, cho nên xin đừng oán trách nó.

55. Đa số người cả đời chỉ làm được ba việc: Dối mình, dối người, và bị người dối.

56. Tâm là tên lừa đảo lớn nhất, người khác có thể dối anh nhất thời, nhưng nó lại gạt anh suốt đời.

57. Chỉ cần tự giác tâm an, thì đông tây nam bắc đều tốt. Nếu còn một người chưa độ thì đừng
nên thoát một mình.

58. Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ này, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.

59. Nếu anh có thể sống qua những ngày bình an, thì đó chính là một phúc phần rồi. Biết bao nhiêu người hôm nay đã không thấy được vầng thái dương của ngày mai, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành tàn phế, biết bao nhiêu người hôm nay đã đánh mất tự do, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành nước mất nhà tan.

60. Anh có nhân sinh quan của anh, tôi có nhân sinh quan của tôi, tôi không dính dáng gì tới anh. Chỉ cần tôi có thể, tôi sẽ cảm hóa được anh. Nếu không thể thì tôi đành cam chịu.

61. Anh hi vọng nắm được sự vĩnh hằng thì anh cần phải khống chế hiện tại.

62. Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh.

63. Người khác có thể làm trái nhân quả, người khác có thể tổn hại chúng ta, đánh chúng ta, hủy báng chúng ta. Nhưng chúng ta đừng vì thế mà oán hận họ, vì sao? Vì chúng ta nhất định phải giữ một bản tánh hoàn chỉnh và một tâm hồn thanh tịnh.

64. Nếu một người chưa từng cảm nhận sự đau khổ khó khăn thì rất khó cảm thông cho người khác. Anh muốn học tinh thần cứu khổ cứu nạn, thì trước hết phải chịu đựng được khổ nạn.

65. Thế giới vốn không thuộc về anh, vì thế anh không cần vứt bỏ, cái cần vứt bỏ chính là những tánh cố chấp. Vạn vật đều cung ứng cho ta, nhưng không thuộc về ta.

66. Bởi chúng ta không thể thay đổi được thế giới xung quanh, nên chúng ta đành phải sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng từ bi và tâm trí huệ.

Sunday, November 20, 2011

Hãy biết ơn cuộc sống






Bạn sẽ chọn ở bên ai: Một người luôn có lòng biết ơn với những gì cuộc đời đem lại hay kẻ chỉ “nỏ miệng” phàn nàn? Người bạn lựa chọn là người quyết định đến hạnh phúc của bạn đấy!
Hình ảnh

Có ai đó từng nói: “Tất cả những người hạnh phúc đều mang trong mình lòng biết ơn. Người bạc bẽo thường không thể được vui. Ta thường cho rằng, bất hạnh đẩy con người đến phàn nàn, song thực ra, chính thói quen ca thán mới dẫn người ta đến cuộc sống không hạnh phúc”.

Hãy dành một phút suy ngẫm. Bạn đã bao giờ gặp người hạnh phúc nào không mang trong mình chút lòng biết ơn? Và đã gặp ai biết ơn cuộc sống mà lại không vui vẻ? Bạn ạ, hạnh phúc, niềm vui bắt nguồn từ chính lòng biết ơn.

Và nếu không thể chọn cho mình hạnh phúc, chúng ta vẫn có thể chọn để được Biết ơn. Bởi đó là cách giúp bạn vui, ngay cả khi cuộc sống chưa được viên mãn, tròn đầy.

Thay vì than phiền đời này quá khắc nghiệt, bạn có thể biết ơn vì mỗi ngày mình vẫn được sống và có cơ hội học tập, trưởng thành và chia sẻ tình yêu. Nếu bạn biết rằng, không ít người thiếu may mắn phải ra đi khi còn rất nhiều điều chưa hoàn thành được…

Thay vì phàn nàn mỗi sáng phải tưới hoa, bạn có thể biết ơn cuộc sống đã mang lại cho bạn những khóm hoa muôn hương sắc.

Thay vì kêu ca trời quá nóng, quá lạnh, quá ẩm ướt, mưa nhiều, bạn hãy biết ơn cuộc đời đã mang cho bạn ánh mặt trời, mưa, tuyết, vẻ đẹp của thiên nhiên, những thảm cỏ xanh, những tán cây rợp mát, sự hiện diện của chim muông…

Thay vì nổi giận khi ngày phải chúi vào ba bữa cơm, hay kêu ca mọi thứ đều đắt đỏ, hãy biết ơn vì bạn vẫn có thức ăn để ăn mỗi ngày.

Bạn có thể biết ơn vì mình có máy tính để lướat web mỗi ngày, cập nhật thông tin, bắt kịp với sự phát triển của thế giới.

Thay vì than phiền mình mỗi ngày một tăng cân, hãy biết ơn khi bạn vẫn còn khỏe mạnh.


Mỗi giây phút, bạn đều có thể chọn để biết ơn cuộc sống từ những điều rất nhỏ hay lớn. Càng thừa nhận những giá trị tốt, giá trị đẹp, bạn càng thấy cuộc sống thêm phần yên bình, vui vẻ.

Lựa chọn thuộc về bạn. Bạn sẽ đón chào năm mới bằng lòng biết ơn vô hạn hay một tiếng phàn nàn?

Tuesday, November 15, 2011

Thế thì tại sao bạn phải lo???


"Điều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại?"


Đức Đatlai Lama trả lời:
" Con người … bởi vì con người phung phí sức khỏe để tích tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe.
Và vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống với hiện tại lẫn tương lai.
Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết … Nhưng rồi sẽ chết như chưa từng sống bao giờ."

Có hai chuyện phải lo lắng:
Hoặc là bạn khỏe mạnh hoặc bạn bị đau.

Nếu khỏe mạnh, thì chẳng có gì phải lo lắng
Nếu bị đau, thì có hai điều phải lo lắng:
Hoặc sẽ được bình phục hoặc sẽ chết.

Nếu đưọc bình phục, thì chẳng có gì phải lo lắng.
Nếu bị chết, thì có hai điều phải lo lắng.
Hoặc lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục.

Nếu lên thiên đàng, thì chẳng có gì phải lo lắng.
Nếu xuống địa ngục, thì sẽ bận tíu tít bắt tay bạn bè cũ,
còn thì giờ đâu nữa mà lo với lắng

Thế thì tại sao bạn phải lo???

Wednesday, November 9, 2011

Hạnh phúc vốn đơn sơ

Bạn có thể tự tìm lấy bằng cách:
Yêu chính mình: Chấp nhận cả khuyết lẫn ưu điểm của mình. Hãy là chính mình để không bị đè bẹp bởi những chỉ trích, gièm pha. Đừng ngụy tạo để được yêu mến hay để che giấu con người thật của mình.
Biết hài lòng: Bằng lòng và biết ơn những gì mình có. Ray rứt, âu sầu vì những thứ mình thiếu, bạn sẽ mất đi niềm vui trước mắt.


Nhìn về tương lai: Bạn không thể thay đổi quá khứ, nhưng bạn có thể thụ hưởng hiện tại và lạc quan về tương lai. Dằn vặt về sai lầm quá khứ sẽ níu kéo, ngáng đường bạn. Tốt nhất hãy tiến lên, vươn tới những thành tựu mới.

Chấp nhận tốt xấu song hành: Cuộc sống tồn tại cả xấu lẫn tốt. Mọi vui buồn, vấp ngã đều có những bài học cho bạn, hun đúc cá tính của bạn. Chính điều này làm đa dạng cuộc sống của bạn.
Tránh chỉ trích người khác: Bới móc thất bại và lỗi lầm của người khác là một cách che giấu sự bất an của mình. Hãy quên và tha thứ. Đừng để cơn giận, nỗi sầu, thù hận thống trị bạn và cuộc sống của bạn.
Làm người khác hạnh phúc: Chỉ bằng những việc nhỏ nhoi thôi. Người ích kỷ hay đòi hỏi; vô cảm thường quạu quọ, cáu bẳn; trong khi người hạnh phúc luôn nở nụ cười và quan tâm đến người khác.
Làm những việc khiến bạn vui vẻ: Chăm sóc gia đình, dành thời gian vui chơi, thư giãn. Lo lắng về những điều mình không thể kiểm soát được khiến bạn dễ bị stress.
Phát triển những mối quan hệ lành mạnh: Hãy giao du với người đối xử tốt với bạn, nâng đỡ bạn lúc khó khăn, sẻ chia niềm vui với bạn.
Đặt mục tiêu hạnh phúc: Điều hài lòng trước mắt sẽ chóng qua, đôi khi còn để lại cảm giác trống rỗng. Đặt mục tiêu dài hạn bạn sẽ dồn tâm sức và thời gian thực hiện nó, bạn sẽ không ngừng tự hoàn thiện, tạo nên sự đổi đời cho mình.
Gột bỏ buồn đau: Không cho những lo lắng, sợ hãi, giận dữ có “đất sống” trong đầu bạn. Chia sẻ với người thân, bạn bè. Ra ngoài vận động. Dán quanh bàn làm việc, phòng ngủ của bạn những khẩu hiệu tích cực. Khi thất vọng tuyệt đối tránh sa vào rượu chè, ma túy.

Vườn Hoa và Người Mù




Tại một công viên kia có một ngôi nhà nhỏ mà chủ nhân của ngôi nhà ấy lại là một người mù. Ông ta dùng toàn bộ thời gian có sẵn của mình để chăm sóc vườn hoa, toàn bộ cây cảnh của công viên đó.
Mặc dù đôi mắt ông đã mù nhưng việc quản lý, chăm bón cây cảnh lại vô cùng hoàn hảo, bất luận xuân, hạ, thu, đông, công viên bao giờ cũng tràn ngập màu hoa, tạo nên nột khung cảnh rất thoải mái cho những người đã qua và đang đến.
Một buổi chiều nọ có người khách qua đường và không khỏi ngạc nhiên, thảng thốt trước sự đẹp và hấp dẫn của những loài hoa kia và hỏi: "Tại sao ông lại có thể tạo ra được những cảnh đẹp như vậy và điều đặc biệt hơn nữa ông lại là một người mù?"


Người mù kia thoáng cười và trả lời: "Tôi có thể cho ông biết có bốn lý do:
"Thứ nhất tôi rất thích công việc trồng hoa này.
Thứ nhì tôi có thể dùng tất cả lòng nhiệt thành của tôi để đến với hoa.
Thứ ba tôi dùng cả con tim của tôi để lắng nghe hoa , nghe được hoa và như vậy giữa chúng tôi có sự tương quan.
Thứ tư đó chính là ông ."

Lúc này người qua đường rất ngạc nhiên: "Vì tôi à? nhưng tôi chưa bao giờ quen biết ông"
Cũng một nụ cười thản nhiên người kia đáp: "Đúng vậy ông chưa hế biết tôi , nhưng tôi biết có một lúc nào đó, hay một khoảng thời gian nào đó sẽ có những người cũng giống Ông như vậy, sẽ đi qua con đường này và những người đó sẽ thấy rất vui khi ngắm những cảnh đẹp, những bông hoa mang đến cho họ".
Lời bạt:
Nếu đối với công việc gì chúng ta đều có sự đam mê, sự nhiệt huyết, lòng chân thành để làm tất nhiên sẽ gặt hái được thành công. Và hơn nữa là một tấm lòng vì tha nhân, vì mọi người, chỉ cho mà không cần nhận lại, phục vụ mà không màng lợi ích hoá quý lắm thay. Nếu ta nghĩ đến mọi người thì trong trái tim họ cũng sẽ có ta, ở đây người mù này vì bốn lý do kia mà hăng say cho công việc và điều đặc biệt là lý do thứ tư kia, vì nhưng người sẽ đi qua con đường này. Tương tự một công việc ta biết người sau sẽ dùng đến hay có thể giúp ích cho họ thì sao chúng ta lại có thể khoanh tay?!
Do vậy, ta hãy học theo hạnh của người mù trồng hoa kia, lặng lẽ dâng tặng những bông hoa tươi đẹp cho cuộc đời này. Dù chỉ là một việc làm nhỏ, một lời nói nhân ái, nụ cười thân thiện, ánh mắt cảm thông… những cái đó luôn sẵn có trong mỗi người chúng ta. Thế thì sao ta lại ích kỷ không biết trao tặng niềm hạnh phúc cho những người thân yêu. Trong bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng có thể đem niềm vui hanh phúc đến cho mọi người, điều quan trọng là ta có chịu làm hay không mà thôi! Hãy làm tất cả những việc mình có thể, làm với tâm không dính mắc chấp thủ thì việc làm của ta mới trọn vẹn và hạnh phúc chân thật sẽ đến với ta. Cái hạnh phúc đó ta không dùng tiền mua được mà chỉ cảm nhận bằng trái tim đầy chất liệu yêu thương của mình dành cho tất cả mọi người!

Không chỉ là chuyện con ếch!


Vào buổi sáng đẹp trời nọ, một bầy ếch rủ nhau vào rừng dạo chơi. Do bất cẩn, hai chú ếch chẳng may trượt chân rơi xuống một cái hố sâu.

Trong tình thế hiểm nguy, những chú ếch trong bầy vội đến bên miệng hố để tìm cách ứng cứu. Thế nhưng, sau khi thử mọi cách, chúng thấy cái hố quá sâu để có thể cứu hai chú ếch xấu số. Cả bầy tuyệt vọng nói với hai chú ếch dưới hố biết sự thật phũ phàng này và bảo hai chú chỉ còn biết chờ đợi cái chết mà thôi.

Bỏ ngoài tai những lời bình luận đó, hai chú ếch cố hết sức nhảy lên khỏi hố. Nhưng thay vì động viên cổ vũ, những con ếch kia lại khuyên hai chú đừng nên phí sức mà hãy sớm chấp nhận số phận của mình. Sau những nỗ lực không thu được kết quả, một chú nghe theo lời khuyên của bầy ếch trên bờ, bỏ cuộc và ngã lăn ra chết trong sự tuyệt vọng.

Trong khi đó, chú ếch còn lại tiếp tục nhảy. Mặc dù cả bầy ếch không ngừng lặp lại lời khuyên trước đó nhưng chú vẫn không từ bỏ nỗ lực của mình và ngày càng nhảy mạnh hơn. Cuối cùng chú cũng nhảy được lên bờ. Lúc này, cả bầy ếch vây quanh chú và hỏi: “Anh không nghe thấy những gì chúng tôi nói à?”. Thì ra chú ếch này bị nặng tai. Chú tưởng cả bầy ếch đã động viên chú trong suốt khoảng thời gian qua.

Mỗi lời nói của chúng ta đều ẩn chứa một sức mạnh vô hình. Một lời động viên khích lệ có thể trở thành động lực giúp cho những người đang trong cơn bế tắc lấy lại tinh thần và vượt qua khó khăn. Nhưng cũng có những lời nói có thể giết chết một người trong tình thế tuyệt vọng. Do đó, hãy cẩn thận với những gì mình nói. Đừng hủy diệt tinh thần của một người đang trong hoàn cảnh khốn khó bởi những lời nói tiêu cực của mình. Thay vào đó, hãy biết dành thời giờ để động viên và khích lệ họ. Cuộc sống của chúng ta và mọi người xung quanh trở nên như thế nào tùy thuộc vào chính thái độ và những lời nói của chúng ta.

Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng


Cuộc đời không hoàn toàn tươi đẹp như những cánh hoa hồng. Hoa hồng dịu dàng đẹp đẽ và hương thơm ngào ngạt, nhưng thân hoa hồng thì đầy gai góc. Hoa là hoa. Gai là gai. Không vì hoa mà ta lao mình vào gai; cũng không vì gai mà ta xa lánh hoa hồng. Giống như quả lắc đồng hồ, đánh qua phải, rồi sang trái, trái rồi trở lại phải… luôn là vậy.

Trong đời sống làm người, có những đều mà ai cũng phải đương đầu, không thể tránh khỏi, đó là được và mất, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ. Vậy trong những lúc bất như ý, trong hạnh phúc, lúc thăng trầm, có một điều ta luôn có thể làm được, đó là giữ tâm bình thản như đất.
Đức Phật đã từng dạy các đệ tử của mình hãy học theo hạnh của đất. Dù người ta có đỗ vãi lên đất những thứ thơm tho, tinh sạch, quý báu, hoặc rưới vào nó những chất nhơ uế, hôi hám, hoặc người ta khạc nhổ, cuốc xới, chà đạp xuống đất, thì đất cũng tiếp nhận các thứ ấy một cách thản nhiên, không hân hoan, hạnh phúc mà cũng không đau đớn, tủi nhục. Cũng như thế, khi gặp trong đời những lạc phước hay hoạn nạn, bạn cũng không nên để chúng chi phối tâm bạn, ảnh hưởng theo nó.
Chung lại, muốn có hoà bình thế giới, trước hết hãy lo hoà bình nội tâm ở mỗi người. Nhất là, phải giữ tâm bình ổn khi gặp cảnh khốn khó.
Chuyện kể rằng, có một người đàn ông sống cô độc nhưng rất giàu có. Một hôm, căn nhà nguy nga của ông bốc cháy và ông thoát ra được trong cái chết gang tấc. Trắng tay, người đàn ông tuyệt vọng và nghĩ đến đường cùng. Có người hay biết, nói với ông rằng “Sao ông lại tiếc những thứ mà con người còn làm được từ đôi bàn tay, lại huỷ hoại đi thứ mà tất cả các của cải vật chất ở cõi đời cũng không đổi được đó là: “Sự sống”.
Trong tất cả các loài hoa, người ta yêu chuộng nhất hoa sen. Sở dĩ sen được nhiều người ưa chuộng vì nó có nhiều đặc tính tối quan trọng. Đại để, đặc tính thứ nhất, là sen sinh ra và lớn lên từ bùn. Đặc tính thứ hai, là sen không hề nhiễm bùn. Đặt tính thứ ba, là sen không bao giờ dính nước bùn. Đặc tính thứ tư, là sen luôn toả hương thơm xua tan mùi ô uế. Đặc tính thứ năm, là hoa sen rất tinh khiết. Đặc tính thứ sáu, là dù cũng phải sống theo trình tự: sinh, trụ, dị, diệt thì suốt đời sen, nó cũng hết mình cống hiến, đem lại lợi ích cho đời…
Đời sen cũng như đời người. Thứ nhất, nếu sen được sinh ra và lớn lên từ bùn thì con người cũng vậy. Con người cũng có thể sinh ra và trưởng thành từ những khó khăn, gian khổ.
Thứ hai, nếu sen không hề nhiễm bùn thì con người cũng vậy. Con người cũng cần có cuộc sống lìa tất cả mọi sự nhiễm ô.
Thứ ba, sen không bao giờ dính nước bùn thì con người cũng thế. Con người luôn giữ lòng lương thiện, không cùng chung với cái xấu ác.
Thứ tư, nếu sen luôn toả hương thơm xua tan mùi ô uế thì con người cũng vậy. Con người chân chính luôn biết giữ gìn phẩm chất, xa lánh hết những đều tà hạnh.
Thứ năm, nếu đặc tính của hoa sen là rất tinh khiết thì con người cũng không khác. Con người đúng nghĩa NGƯỜI, phải tự có bản thể thanh tịnh, luôn vượt lên những phiền não như: hợp rồi tan, còn mất, thị phi, mê đắm, phiền giận, tham luyến…
Thứ sáu, nếu sen biết an nhiên trước dòng chảy sinh, trụ, dị, diệt suốt đời cống hiến hết mình cho sự sống thì con người cũng vậy. Con người hiểu biết sự sống là chấp nhận vô thường và nhận ra rằng: “Hạnh phúc thật sự không nằm ở những gì chúng ta có, mà nằm ở những gì chúng ta đem đến cho cuộc đời…”
Đó là cuộc đời, khi chúng ta không thể tránh được những tai nạn xảy đến cho mình, thì ta có sức mạnh làm chủ cuộc đời, không để nghiệp lực chi phối. Điều đó có quyền cho ta lựa chọn một trong hai con đường, hoặc dẫn đến bế tắc đau khổ, hoặc “tiến về phía trước, bóng tối sẽ lùi về phía sau”. Chắc hẳn bạn sẽ chọn con đường đậy lùi bóng tối.

Hoan nghênh bạn! Chúc bạn thành công!!!

Học cho cuộc sống tốt đẹp hơn

Trái lại, những người thất bại, không chịu cải thiện, xem một ngày như là một cuộc đấu tranh sinh tồn của họ. Họ không có tầm nhìn đến tương lai, không định hướng và hầu như không có hy vọng. Thử thách lớn nhất lớn của họ là làm sao sống cho qua ngày đoạn tháng chứ không chịu học hỏi kinh nghiệm, và hậu quả là họ chỉ có được một cuộc sống xoàng xĩnh.

“Hãy sống với cuộc đời khi bạn đang có nó;
Cuộc đời là một tặng phẩm tuyệt vời.”
Florence Nightingale

Nếu bạn chăm chút cho cuộc sống thì bạn phải quý trọng nó. Hãy đón chào mỗi ngày mới bằng sự mong đợi tích cực với những câu tự vấn như “Hôm nay tôi có thể học hỏi và kinh qua điều gì mới?”

Có ba chìa khoá để mở kho tàng ý tưởng cho những ai đi tìm và chuẩn bị một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là học để tìm kiếm, học để nắm bắt và học để nghiên cứu.

Học để tìm kiếm

Tìm kiếm là cách chắc chắn duy nhất để có thông tin về những ý tưởng làm thay đổi cuộc sống. Để khám phá một điều gì, bạn phải tìm kiếm nó trước đã. Hãy tập thói quen tìm kiếm những gì có thể giúp mình tiến bộ, hoàn tất công việc và thành công. Bạn có thể tham dự những buổi họi thảo, các khoá huấn luyện kích thích suy nghĩ, lắng nghe băng ghi âm của những diễn giả nổi tiếng về những vấn đề mình yêu thích, đọc những cuốn sách nâng cao tinh thần, đàm thoại với những ngưòi thành công, v.v. Bằng cách này, bạn sẽ thu thập được nhiều ý tưởng cần thiết để hoàn thành những mục tiêu của mình.

Học để nắm bắt

Khi bạn nghĩ ra một ý tưởng hay, nghe thấy điều gì có giá trị, phát hiện một khái niệm quan trọng hãy viết nó ra giấy ngay lập tức, đừng tin tưởng vào trí nhớ của mình. Hãy nhớ luôn mang theo bên mình một cuốn sổ và cây viết để ghi lại tất cả những gì bạn khám phá được cho dù nó nhỏ bé và không quan trọng.

Một khi đã nắm bắt được ý tưởng, bạn sẽ có nhiều suy nghĩ, ghi nhận, khái niệm và niềm tin có giá trị, hỗ trợ bạn phát huy tiềm năng của mình để đạt đến mục đích.

Học để nghiên cứu

Tiến trình hiểu biết những thông tin mà bạn cần và đang thu thập là một trong những chiếc chìa khoá mở rộng cánh cửa cho bạn bước vào một cuộc đời tươi đẹp. Nếu bạn mong muốn thành công, hạnh phúc và giàu sang thì hãy nghiên cứu sự thành công, hạnh phúc và giàu sang. Thành công, hạnh phúc và giàu sang không phải là những sự kiện ngẫu nhiên đến với bạn; trước hết, chúng phải được nghiên cứu, rồi thực hành và sau cùng là hiện thực hoá. Chúng là những giá trị cần được trau dồi.

“Tôi phải làm sao để có được những ý tưởng?
Hãy mở rộng trí khôn của bạn.
Quan sát! Nghiên cứu! Nhưng trên hết là suy nghĩ!”
Orison Swett Marden

Thái độ của bạn sẽ dẫn dắt cuộc đời của bạn. Nó có một sức mạnh phi thường và bạn phải biết cách điều khiển sức mạnh đó. Một thái độ lạc quan, tích cực là nhân tố giúp bạn hưởng thụ một cuộc sống tốt đẹp và đạt đến một tương lai sáng lạn.