Sunday, May 20, 2012

Hãy sống và nghĩ một cách thật đơn giản

Người ta tổ chức một cuộc thi, với những câu hỏi sau: Câu số 1. Hỏi một cộng một bằng mấy? Câu số 2. Một bác nông dân vào rừng đốn củi, và gặp 3 con heo. Một con liền hỏi: Bác nông dân ơi bác làm gì thế ? Hỏi, bác nông dân sẽ trả lời như thế nào ? Câu số 3. Có 4 người: 1 kỹ sư, 1 bác sĩ, 1 ca sĩ, 1 hoa hậu. Cả 4 đều đi trên 1 khinh khí cầu. Nhưng bất chợt bị hư, nên chỉ chở được ba người mà thôi. Nên cần thiết phải bỏ một người ra khỏi khinh khí cầu. Vậy, theo các bạn phải bỏ người nào? Trả lời: Không có người lớn nào trả lời đúng. Chỉ có em bé 6 tuổi đoạt giải. Đáp án như sau. Câu 1 là 2.Câu trả lời rất đơn giản. 1 + 1=2 . Nhưng vì mưu mẹo, nên sẽ cho rằng ban giám khảo đánh lừa, đáp án biết đâu bằng 3, bằng 1 hay bằng 1,5 thì sao. Câu 2 là: trời ơi, heo mà cũng biết nói.Câu trả lời rất đơn giản: heo làm gì biết nói. Nhưng vì đầu óc ta phức tạp nên đưa đủ lời giải đáp. Nào là bác đốn củi về nuôi gia đình, lấy củi về bán, lấy củi về để đun nước thịt các người. Câu 3 là, người nào nặng ký nhất thì nhảy xuống. Câu trả lời rất đơn giản: người nặng nhất nhảy xuống. Nhưng vì đầu óc của ta rắc rối, nên nghĩ phải là hoa hậu, vì là nữ; phải là bác sĩ, kỹ sư… Nếu nhìn vấn đề một cách nhẹ nhàng đơn sơ, ta sẽ có câu trả lời mau chóng. Đơn sơ không có nghĩa là không sâu sắc, nhưng vì biết nhìn vấn đề đúng thực như nó là. Nếu nhìn vấn đề một cách phức tạp, ta sẽ đưa ra phán quyết cũng phức tạp. Nếu nhìn vấn đề một cách rắc rối, ta sẽ giải quyết vấn đề cách rắc rối. Nếu nhìn vấn đề một cách căng thẳng, ta sẽ đưa ra đáp án cũng căng thẳng. Nếu là đầu óc ta rắc rối, gây hấn, căng thẳng, mưu mẹo, quanh co thì sẽ tìm câu trả lời, sẽ giải quyết vấn đề giống như ta nghĩ, dù câu hỏi không như vậy, rất đơn giản. Ta nghĩ nó là phức tạp, là căng thẳng thì cho nó là thế, chứ thực sự nó không phải vậy. Có quá nhiều chuyện xảy ra trong gia đình, xóm làng, bị con người làm cho ầm ĩ, căng thẳng, gây mất tình nghĩa, làm cuộc đời thêm buồn. Dù chúng quá nhỏ và đơn giản. Có quá nhiều sự số gây tranh chấp, đổ vỡ tình cảm vợ chồng, con cái, chỉ vì ta cường điệu hóa vấn đề, để rồi hậu quả là đau khổ ập đến. Có quá nhiều nỗi buồn thường diễn ra trong gia đình, chỉ vì mọi người không nhìn nhận sự việc đúng như nó là, mà thường là thổi phồng lên cho thêm rối ren. Cuộc sống con người thật nhẹ nhàng và đơn sơ, đơn giản và dễ thương, đáng yêu và đáng sống, đáng trân trọng và kính trọng, đáng đón nhận và cảm nhận. Nhưng nhiều khi chính con người lại làm cho nó trở nên phức tạp, rắc rối, căng thẳng, gây hấn, đáng sợ hơn chính nó. Giống như không khí và hơi thở, thì tình cảm, tình yêu, lòng thương xót cũng vậy. Không cần phải cân đo đong đếm hay phân tích tại sao, lý do nào, bởi đâu… Ta chỉ cần nhẹ nhàng hít thở, nhẹ nhàng đón nhận, và sẽ thấy ngay hiệu quả. Cuộc sống của ta có đơn sơ, có hạnh phúc bình an không, tùy thuộc vào cách ta nhìn nhận vấn đề và giải quyết vấn đề như ra sao.

Wednesday, May 2, 2012

Hãy tha thứ

Vào một buổi học, thầy giáo chúng tôi mang vào lớp rất nhiều túi nhựa và một bao khoai tây thật to. Thầy chậm rãi giải thích với mọi người rằng, mỗi khi cảm thấy oán giận hoặc không muốn tha thứ lỗi lầm cho ai, hãy viết tên người đó lên một củ khoai tây rồi cho vào túi nhựa. Chúng tôi thích thú viết tên những người không ưa hay ghét hận rồi cho vào túi. Chỉ một lúc sau, chiếc túi nào của chúng tôi... cũng đã căng nặng, đầy khoai tây. Thậm chí có người một túi không chứa hết khoai, phải thêm một túi nhỏ kèm theo. Sau đó, thầy yêu cầu chúng tôi hãy mang theo bên mình túi khoai tây đó bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào trong thời gian một tuần lễ. Đến lớp thì mang vào chỗ ngồi, về nhà thì mang vào tận giường ngủ, thậm chí khi vui chơi với bạn bè cũng phải đem theo. Chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và phiền toái vì lúc nào cũng có một túi khoai tây nặng nề kè kè bên cạnh. Tình trạng này còn tệ hơn nữa khi những củ khoai tây bắt đầu thối rữa, rỉ nước. Cuối cùng, chúng tôi quyết định xin thầy cho quẳng hết số khoai tây ấy đi và cảm thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái trong lòng. Lúc ấy, thầy giáo của chúng tôi mới từ tốn nói: "Các em thấy không, lòng oán giận hay thù ghét người khác đã làm cho chúng ta thật nặng nề và khổ sở! Càng oán ghét và không tha thứ cho người khác, ta càng giữ lấy gánh nặng khó chịu ấy mãi trong lòng. Lòng vị tha, sự cảm thông với những lỗi lầm của người khác không chỉ là món quà quý giá để ta trao tặng mọi người, mà đó còn là món quà tốt đẹp mỗi chúng ta dành tặng cho bản thân mình". Thế mới biết trong cuộc sống có những điều không nên giữ trong lòng. Cái gì bỏ qua được nên bỏ qua bạn nhé.