Thursday, July 21, 2011

Dalai La ma quotes










Sống bằng tình cảm hay lý trí?



Trong cuộc sống, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để chọn lựa cách sống bằng tình cảm hay lý trí. Bạn hành động bắt ngưồn từ động cơ xuất phát từ trái tim hay sự tính toán khôn ngoan của đầu óc?
Trong thực tế, Trái tim- lĩnh vực ngự trị của lòng khoan dung, độ lượng và tràn đầy tình cảm- sẽ khiến bạn nhận ra rằng, không thể nào có được cảm giác dễ chịu khi làm tổn thương người khác.

Cùng với một việc làm, nhưng nếu bạn dùng trái tim để điều khiển- mục đích là cảm thông, xây dựng giúp đỡ nhau, rất có thể bạn sẽ khiến người khác cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn, thậm chí họ còn chia sẻ những suy tư, niềm hạnh phúc của mình cùng bạn. Lúc này chính bạn cũng đón nhận được những cảm xúc lạc quan đó từ người khác.

Do đó, khi xử sự , tốt nhất hãy dùng sự sáng suốt của lý trí để chống lại những thái độ xấu, hành vi kiêu ngạo để thực hiện hành vi nhân hậu. Bạn sẽ tìm thấy sự bình an ở nội tâm.

Cuộc sống đầy rẫy phức tạp, lối rẽ, đòi hỏi chúng ta có lý trí để phán đoán, phân tích, dự báo những điều sẽ diễn ra để chuẩn bị tinh thần đón nhận nó. Nhưng nếu bạn bỏ qua yếu tố Tình cảm- đống nghĩa với việc bạn biến tâm hồn mình thành hoang mạc, khô cằn và sỏi đá.

Con người thoát khỏi lớp động vật thuần tuý nhờ vào sự dung hoà giữa 2 mặt lý trí và tình cảm- Con vật có tình cảm nhưng thiếu lý trí, chúng có thể gắn bó nhau nhưng sẵn sàng chống trả hoặc cấu xé nhau khi giành lấy con mồi hoặc có khi ăn thịt cả đồng loại của mình để thoả mãn bản năng tồn tại- và từ đây chúng ta có thễ hiểu rằng: Con người dùng lý trí để xây dựng tình cảm và lấy tình cảm làm nền tảng cho mọi hành động của lý trí. Tuy nhiên hai mặt này cần được cân bằng để tránh khỏi những sai lầm hoặc những hậu quả đáng tiếc mà chúng ta không lường hết được

Bạn thân mến! Không ai có thể biết chính xác tương lai của mình sẽ như thế nào, nhưng ai cũng biết yêu thương và dược yêu thương là hạnh phúc lớn lao. Vậy hãy dùng lý trí để biết mình nên làm gì để mang lại tình yêu thương cho người khác.

Chúc các bạn có câu trả lời hay nhất cho bản thân mình và tìm thấy niềm vui và hạnh phúc.

Saturday, July 9, 2011

Đen hay trắng?




Khi còn là học sinh cấp II, tôi đã có một cuộc tranh luận nẩy lửa với cậu bạn cùng lớp. Nguyên nhân thì tôi chẳng còn nhớ, nhưng bài học có được từ ngày hôm đó, tôi sẽ chẳng bao giờ quên.
Trong cuộc khẩu chiến ấy, tôi cố chứng minh rằng tôi đúng còn cậu ta thì sai. Cậu ta, ngược lại, cố thuyết phục rằng tôi sai, còn cậu ta mới là người đúng. Và cô giáo đã quyết định chỉ cho chúng tôi thấy, ai sai ai đúng. Cô đưa chúng tôi lên văn phòng, bảo hai đứa đứng ở hai đầu bàn.

Trên bàn, cô đặt một quả bóng lớn, màu đen. Cô hỏi cậu bạn tôi: “Quả bóng màu gì?”. Cậu ta dõng dạc trả lời: “Màu trắng”.

Tôi không thể tin vào tai mình. Thật là ngốc nghếch! Cậu ta nói quả bóng màu trắng trong khi nó rõ ràng màu đen. Và chúng tôi lại gân cổ lên để bảo vệ ý kiến của mình, giờ là về màu sắc của quả bóng.

Yêu cầu chúng tôi trật tự, cô giáo bảo hai đứa đổi chỗ cho nhau. Tôi đứng chỗ của cậu ta, còn cậu ta chuyển sang đứng chỗ tôi. Sau đó, cô giáo hỏi lại chúng tôi về màu sắc của quả bóng. Tôi ngập ngừng trả lời: “Trắng”.

Đó là một quả bóng phân hai nửa màu khác nhau. Nhìn từ vị trí của cậu ta thì nó trắng, trong khi từ vị trí của tôi, nó có màu đen.

Cô giáo đã dạy cho tôi một điều quan trọng không chỉ ngày hôm đó mà trong suốt cuộc đời: Bạn nên đứng ở vị trí của người đối diện để hiểu nguyên nhân hành động và cảm giác của họ.

Sức mạnh của niềm tin




Có một vị thầy tu sống bên một dòng sông. Trong suốt 30 năm, ông thực hành phép "Sadhana" để học cách đi lại trên mặt nước. Vốn là đồ đệ của thần Krishna, ông chỉ quen sống bằng bò sữa. Hằng ngày, có một bé gái sống cùng mẹ ở bờ sông bên kia mang sữa đến cho ông.
Một hôm, mẹ cô bé nói với con:
- Trời nhiều mây đen quá con ạ; chắc tối nay sẽ có mưa to và nước sẽ dâng cao. Con hãy nói với thầy rằng ngày mai con sẽ không mang sữa cho ông được nhé.
Cô bé chuyển lời dặn của mẹ đến vị thầy tu. Thế nhưng vị thầy tu bảo cô bé:
- Con đừng lo lắng về trận lụt. Ta sẽ dạy cho con phép thuật đi được trên mặt nước. Con hãy nhắm mắt lại, lặp đi lặp lại từ "Krishna! Krishna! Krishna!" và con sẽ đi được trên mặt nước.
Đúng như người mẹ tiên đoán, tối hôm đó, trời mưa như trút nước và chẳng mấy chốc nước đã dâng cao. Sáng hôm sau, cô bé vẫn chuẩn bị sữa để mang sang sông cho vị thầy tu. Lo lắng cho sự an toàn của con, người mẹ đã ngăn không cho cô bé đi. Cô bé trấn an mẹ rằng vị thầy tu đã dạy cho cô phép thuật đi trên mặt nước. Niềm tin của cô bé đã truyền sang người mẹ và bà để cho con gái của mình đi. Cô bé đến bên bờ sông, nhắm mắt lại và nói to ba lần từ "Krishna!". Và thật kỳ lạ, cô bé nhẹ nhàng bước đi trên mặt nước như đang đi trên đường bộ.
Hết sức ngạc nhiên, vị thầy tu bèn nghĩ: "Thật tuyệt! Ta đã chỉ cho cô bé đi được trên mặt nước. Vậy thì nhất định ta cũng sẽ làm được như vậy. Bây giờ đến phiên ta thực hành phép thuật này đây".
Lòng đầy tự tin, vị thầy tu bước lên mặt nước và ... chìm nghỉm.
Cô bé trong câu chuyện này có một niềm tin to lớn vào phép thuật của vị thầy tu nhưng điều đáng tiếc là bản thân vị thầy tu đó lại không có được niềm tin ấy. Niềm tin có thể giúp con người tạo nên những điều kỳ diệu trên thế giới. Tất cả các nhà khoa học vĩ đại đều tin rằng thiên nhiên ẩn chứa nhiều điều kỳ bí. Với niềm tin ấy, họ đã tạo ra những phát kiến khoa học vĩ đại như máy phát thanh, máy thu âm, ,máy tính, máy bay và bao điều kỳ diệu khác. Tất cả đều xuất phát từ niềm tin không gì lay chuyển nổi của con người.

Sẽ được gì khi chúng ta cho đi




Tại một xa xôi hẻo lánh, có nhiều lời đồn đại rằng hoàng tử của đất nước sẽ đến thăm làng. Những người luôn được coi là dân đen, tầng lớp thấp trong làng đều vui mừng, vì họ tưởng như ngôi làng này đã bị lãng quên rồi.
Dân đen làm huyên náo hằng ngày kể từ khi họ nghe tin đó. Nhưng không có ai vui mừng và "kích động" bằng một người ăn xin trong làng. Vì không biết ngày hoàng tử đến, nên ngày nào ông cũng ngồi bên vệ đường, hy vọng hoàng tử sẽ cho ông ta nhiều tiền, ít nhất là để mua gạo đủ ăn.

Thực ra, người ăn xin có hai cái bơ sắt. Một cái để đựng tiền xin được, và một cái để đựng ít gạo của ông ta. Hằng ngày, người ăn xin vẫn ăn mặc rách rưới, tả tơi với hai cái ống bơ ngồi đó.

Và cuối cùng, không uổng công mong đợi, hoàng tử đã đến và đi vào làng. Khi thấy hoàng tử đi qua, người ăn xin vội chìa tay ra kêu lên:

- Xin bố thí cho kẻ hèn này!

- Hãy cho tôi bơ gạo của ông - Đó là những lời duy nhất hoàng tử nói.

Người ăn xin không thể tin được vào tai mình. Không có một lý do gì để một người giàu có nhất đất nước lại đi xin bơ gạo của một người ăn xin. Người ăn xin định từ chối, nhưng rồi sau khi xem xét lại, ông đổ bớt gạo ra khỏi bơ, chỉ đưa cho hoàng tử nửa bơ gạo. Hoàng tử đổ gạo vào túi mình, rồi cho tay vào túi và lấy ra một nắm vàng, bỏ vào đúng nửa bơ, bằng với số gạo mà hoàng tử nhận được, rồi lại đưa cho người ăn xin. Hoàng tử không bao giờ quay lại, còn người ăn xin thì suốt cuộc đời cứ băn khoăn tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu ông ta đưa cho hoàng tử cả bơ gạo.

Chúng ta không bao giờ biết là chúng ta sẽ nhận được gì khi chúng ta cho đi, nhưng hãy tin rằng cuộc sống là công bằng, và đừng chỉ giữ chặt nửa bơ gạo mà bỏ lỡ cả nắm vàng cuộc sống trả lại cho bạn.

Cách để biết sự thật




Một anh học trò nọ nhặt được một viên đá lấp lánh nằm trên đường đi. Anh bèn mang viên đá quý này đến gặp thầy để hỏi về giá trị của nó.
- Thưa thầy, viên đá này có phải là kim cương không ạ?
Dù là một chuyên gia về đá quý nhưng người thầy đã không trả lời câu hỏi của người học trò mà chỉ yêu cầu anh ta:
- Con hãy tự tìm hiểu kiến thức về kim cương đi.
Theo lời thầy, người học trò vào thư viện tìm đọc tất cả các cuốn sách viết về kim cương. Khi quay về, anh chàng đã có một vốn kiến thức kha khá về loại đá quý này. Nhưng đến lúc đó, người thầy bảo:
- Bây giờ ta có thể nói cho con biết rằng viên đá con nhặt được chính là kim cương đấy.
Anh học trò ngạc nhiên hỏi:
- Ồ, sao thầy không cho con biết ngay từ đầu? Chắc thầy có ẩn ý gì phải không ạ?
- Đúng vậy. - Ông thầy trả lời - Ta muốn con học cách kiểm nghiệm mọi thứ rồi hãy tin người. Giờ đây, con đã hiểu rõ về kim cương và con có thể kiểm tra những điều ta vừa nói. Chỉ khi làm được như vậy con mới trở thành người thầy của chính mình.
Không ai biết rõ sự thật hơn bản thân bạn.

Điều đáng quan tâm

Một công ty nọ chuyên sản xuất và kinh doanh thức ăn dành cho các chú cún. Như mọi lần, buổi họp tổng kết cuối năm diễn ra thật sôi động. Các trưởng phòng tranh nhau khen ngợi đội ngũ nhân viên của mình cũng như trình bày các kế hoạch quảng cáo và ý tưởng tiếp cận khách hàng độc đáo.
Cuối cùng, vị chủ tịch bước lên phát biểu kết thúc buổi họp.
Ông nói:
- Chúng ta đã nghe rất nhiều kế hoạch và chiến lược tuyệt vời để chuẩn bị cho năm mới từ tất cả các phòng ban. Tuy vậy, tôi chỉ có một thắc mắc nhỏ muốn nhờ các bạn giải đáp. Nếu chúng ta có chương trình quảng cáo độc đáo nhất, chiến lược tiếp thị tốt nhất, lực lượng kinh doanh tài ba nhất, vậy thì tại sao doanh số của chúng ta lại thấp nhất trong tất cả các công ty kinh doanh mặt hàng này?
Không khí buổi họp chùng xuống, cả căn phòng chìm trong im lặng. Cuối cùng, một giọng nói yếu ớt của ai đó từ cuối phòng cất lên.
"Vì các chú chó chẳng hề thích loại thức ăn mà chúng ta sản xuất ra!"
Để thành công trong việc kinh doanh bất kỳ mặt hàng nào, điều tiên quyết chính là chất lượng của sản phẩm.

Tình nghĩa vợ chồng



Sau 11 năm chung sống, cặp vợ chồng nọ mới sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Từ khi ra đời, chú bé trở thành niềm hạnh phúc cho cả gia đình.
Khi chú bé lên 2 tuổi, một buổi sáng nọ, trước khi đi làm, người chồng trông thấy một lọ thuốc không đậy nắp ở trên bàn. Vì đã muộn giờ đi làm nên anh dặn vợ đóng nắp chai lại và cất vào tủ. Quá bận rộn với việc bếp núc, người vợ quên mất lời dặn của chồng. Đứa bé thấy chai thuốc trên bàn nên đã mon men lại gần. Màu sắc của lọ thuốc rất hấp dẫn nên chú bé đã cho cả lọ thuốc vào miệng. Thật không may, đó là loại thuốc có tác dụng rất mạnh chỉ dành cho người lớn uống với liều lượng thấp và cậu bé đã bị trúng độc. Người mẹ vội vàng mang con đến bệnh viện nhưng đã quá muộn, cậu bé đã qua đời.
Người vợ rụng rời tay chân. Khi người chồng chạy đến bệnh viện thì đứa con trai đã chết. Anh nhìn vợ và thốt lên: "Anh thương em lắm!"
Phản ứng của người chồng trong tình huống ấy thật đáng khen. Vì sao anh có thể hành động được như vậy? Anh hiểu rằng con trai mình đã chết và chẳng còn cách nào để con sống lại, dù anh có trách cứ vợ bao nhiêu chăng nữa. Bản thân vợ anh cũng đã mất đứa con yêu và đang rất cần tình yêu thương và sự cảm thông của chồng. Nếu tất cả chúng ta đều suy nghĩ và làm được như người chồng trong câu chuyện này thì thế giới quanh ta sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu!

Chúng tôi đã "giết chết" một người bạn





Năm nay tôi đã gần bảy mươi tuổi. Cái tuổi mà con cháu đã có thể chúc thọ được rồi. Tôi đã chứng kiến biết bao câu chuyện cuộc đời. Nhưng có một câu chuyện mà tôi không thể nào quên được. Tôi viết lá thư này gửi các anh, các chị để kể lại câu chuyện mà tôi là một người liên quan đến câu chuyện đó. Hy vọng, câu chuyện của tôi nếu được in lên sẽ nói với bạn đọc gần xa một điều gì đó về cuộc đời này.

Câu chuyện xảy ra vào năm cuối cùng trong đời sinh viên của tôi, ở ký túc xá mà tôi ở lúc đó. Một hôm, chúng tôi đi tập quân sự. Duy chỉ có một người trong phòng kêu ốm và ở lại. Người đó là S, quê ở Thanh Hóa. Buổi chiều trở về, tôi sắp xếp lại đồ đạc cá nhân và hoảng hốt nhận ra một chỉ vàng của tôi không cánh mà bay. Đó là chỉ vàng mà cha mẹ cho để mua xe đạp đi làm sau khi tôi ra trường. Ngay lúc đó, tôi nhìn S đang nằm quay mặt vào tường và hoàn toàn tin rằng S đã lấy cắp chỉ vàng của tôi. Tôi đề nghị mọi người trong phòng cho tôi khám tư trang của họ. Cuộc khám xét không thành công.

Nhưng qua phân tích của chúng tôi và qua thái độ hoang mang của S, chúng tôi đều tin S đã giả ốm ở nhà để lấy cắp chỉ vàng của tôi. Chúng tôi đã báo cáo sự việc với nhà trường. Bảo vệ nhà trường cho biết, buổi sáng chúng tôi đi tập quân sự thì S có ra khỏi trường khoảng một giờ đồng hồ. Mặc dù S cả quyết không hề lấy cắp chỉ vàng ấy, nhưng chúng tôi và nhà trường đã tiến hành nhiều cuộc họp để chất vấn và khẳng định thủ phạm vụ trộm đó là S.

Một tuần sau, chúng tôi phát hiện S mang một tải mì sợi ra ga tàu mang về quê. Chúng tôi túm lại hỏi S lấy tiền đâu mà mua mì sợi. S không nói gì mà ôm mặt khóc. Năm đó, nhà trường đã không xét tốt nghiệp cho S mặc dù học lực của S rất khá, với lý do đã có hành vi đạo đức xấu và không trung thực với tội lỗi của mình. Chúng tôi hồ hởi nhận bằng tốt nghiệp và quyết định phân công công tác. Chỉ có S không được nhận bằng tốt nghiệp và tạm thời không được phân công công tác. Đồng thời nhà trường có công văn gửi về địa phương S sinh sống đề nghị địa phương theo dõi và giáo dục S. Khi nào địa phương chứng nhận S đã hối cải và tiến bộ thì nhà trường sẽ xem xét giải quyết trường hợp của S.

Thời gian cứ thế trôi đi. Một số bạn bè học cùng chúng tôi vẫn có liên lạc với nhau. Duy chỉ có S là không ai biết rõ ràng ở đâu và làm gì. Nhà trường cho biết, S cũng không quay lại trường để xin cấp bằng và phân công công tác.

Ngày tháng trôi qua, tôi chẳng còn nhớ tới chỉ vàng bị lấy cắp năm xưa. Trong đám bạn bè tôi, có những người rất thành đạt. Đặc biệt H đã trở thành một người rất giàu có bằng năng lực và sức lao động của chính anh. Anh là một người được xã hội biết đến.

Một hôm, sau ngày tôi vừa nghỉ hưu, có một thanh niên mang đến nhà tôi một lá thư và một cái hộp giấy nhỏ. Anh thanh niên nói là một người nhờ chuyển, nhưng lại nói là không nhớ tên người đó. Tôi băn khoăn và hồi hộp mở thư ra. Lá thư chỉ vẻn vẹn mấy dòng: "Anh P thân mến, tôi xin được gửi trả lại anh chỉ vàng mà tôi đã lấy của anh cách đây mấy chục năm. Tôi sẽ đến gặp anh để xin anh thứ tội. Kính". Đọc thư xong, tôi thực sự bàng hoàng. Lá thư không ký tên. Tôi không còn nhận được chữ đó là của ai viết nữa. Tôi đoán đó là thư của S. Tôi mở chiếc hộp giấy nhỏ và nhận ra trong đó có một chỉ vàng. Đó là một chỉ vàng mới. Không hiểu tại sao lúc đó nước mắt tôi chảy ra giàn giụa. Lúc này tôi mới thực sự nghĩ đến S với một nỗi xót thương. Ngày ấy, S là sinh viên nghèo nhất trong lớp. Bố S mất sớm. Mẹ S phải tần tảo nuôi năm anh chị em S ăn học. Có lẽ vì thế mà trong một phút không làm chủ được mình, S đã trở thành một kẻ ăn cắp. Nếu lúc đó, chúng tôi có được sự xót thương như bây giờ thì có lẽ chúng tôi không đẩy S vào tình cảnh như ngày ấy.

Sau khi nhận được lá thư và chỉ vàng, tôi hầu như mất ăn, mất ngủ. Có một nỗi ân hận cứ xâm chiếm lòng tôi. Ngày ngày tôi đợi S đến tìm. Tôi sẽ nói với S là tôi tha thứ tất cả và tôi cũng xin lỗi S vì lòng tôi thiếu sự thông cảm và thiếu vị tha.

Một buổi sáng có tiếng chuông cửa. Tôi vội chạy ra mở cửa. Người xuất hiện trước tôi không phải là S mà là H. Tôi reo lên: "Ối, hôm nay sao rồng lại đến nhà tôm thế này". Khác với những lần gặp gỡ trước kia, hôm đó gương mặt H trầm tư khác thường. Tôi kéo H vào nhà và nói ngay: "Mình vừa nhận được thư thằng S. Cậu có biết nó viết gì không? Nó hứa trả lại tôi chỉ vàng và nói sẽ đến gặp tôi để xin lỗi". Khi tôi nói xong, H bước đến bên tôi và nói: "Anh P, anh không nhận ra chữ viết của tôi ư. Tôi chính là người viết lá thư đó. Tôi chính là người đã ăn cắp chỉ vàng của anh". Nói xong, H như đổ vào tôi và khóc rống lên. Tôi vô cùng bàng hoàng và không tin đó là sự thật. Khóc xong, H đã kể cho tôi nghe tất cả sự thật. Vì cũng muốn mua một chiếc xe đạp sau khi tốt nghiệp đi làm, H đã tìm cách lấy trộm chỉ vàng. Và suốt thời gian qua, H rất ăn năn và luôn tìm kiếm S để chuộc lỗi. Thế rồi chúng tôi quyết định về quê S mặc dù biết S không còn sinh sống ở quê đã lâu.

Vất vả lắm chúng tôi mới biết thông tin về S: Sau khi bị nhà trường gửi công văn đến địa phương thông báo về đạo đức của mình, S đã phải chịu quá nhiều tai tiếng và những ánh mắt khinh bỉ của hàng xóm. S đã xin đi khai hoang ở một huyện miền núi.

Nghe vậy, chúng tôi lại tức tốc lên đường tìm đến nơi S đang sinh sống. Ở đó S sống cùng vợ con trong một ngôi nhà gỗ đẹp dưới chân một dãy đồi. S trồng trọt và mở một trang trại chăn bò lớn. Trông anh già hơn tuổi nhưng khỏe mạnh và đôi mắt nhân ái vô cùng. Cả ba chúng tôi ôm lấy nhau mà khóc.

Tôi và H quyết định ngủ lại một đêm với S. H xin S cho H được kể sự thật cho vợ con S nghe để họ thanh thản và hãnh diện về chồng, về cha mình và H muốn được tạ lỗi với vợ con S. Nhưng S gạt đi và nói: "Chưa bao giờ họ tin tôi là kẻ ăn cắp". Trước khi chia tay nhau, H cầm tay S khóc và nói: "Mình có tội với cậu. Cậu đã tha tội cho mình. Nhưng mình muốn được trả một phần nhỏ cái nợ lớn mà đời mình đã mang nợ với cậu. Hãy nói mình phải trả nợ cậu như thế nào". S mỉm cười và nói: "Ông đã trả hết nợ rồi". Khi tôi và H còn chưa hiểu ý thì S nói: "Việc ông nói ra sự thật về tội lỗi của ông là ông đã trả hết nợ rồi. Đừng nghĩ gì về chuyện cũ nữa. Mà thực ra, ông nợ chính ông nhiều hơn là ông nợ tôi. Nợ người dễ trả hơn nợ chính mình". Cho đến lúc đó, tôi mới thực sự hiểu con người S. Tôi hiểu ra một điều gì đó thật xúc động, thật sâu sắc về cuộc đời này. Hóa ra, có những tâm hồn lớn lao và cao thượng lại nằm trong những con người khốn khó và giản dị như thế.

Cũng trong cái đêm thức với S tại ngôi nhà gỗ của anh, chúng tôi mới biết những ngày đi học, khi nghỉ học, S vẫn đi quay mì sợi thuê để mua mì sợi cứu đói cho gia đình. Chúng tôi đã không hiểu được bạn bè mình. Chúng tôi đã làm cho một con người như S nếu không có nghị lực, không có lòng tin có thể dễ dàng rơi vào tuyệt vọng.

Thưa các anh, các chị, câu chuyện tôi kể cho các anh, các chị chỉ có vậy. Nhưng với tôi đó là một bài học về con người và về cuộc đời.