Monday, June 20, 2011

nhẫn





Có khi nhẫn để yêu thương.
Có khi nhẫn để tâm dừng lo toan.
Có khi nhẫn để vẹn toàn.
Có khi nhẫn để tránh tàn hại nhau.

Friday, June 17, 2011

Ta cứ tưởng...

Chữ Phật viết theo kiểu thư pháp

Chữ Ngộ bằng thư pháp

Có có không không chẳng bận lòng

Me, myself and I

You can do it

HÃY LÀM KHI CÓ THỂ.




Bạn có từng nghĩ rằng một ngày nào đó những người thương của bạn sẽ không còn sống bên bạn nữa không. Chúng ta không một ai có thể biết chắc được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Thậm chí chúng ta cũng không thể biết chắc được điều gì sẽ xảy ra vào một giờ sắp tới đối với những người thân của chúng ta, hay thậm chí đối với bản thân mình.

Có thể bạn ta mới đến thăm ta ngày hôm qua, mà hôm nay ta được báo tin là người đó đã không còn sống trên cõi đời này nữa. Nhận được tin ấy mà lòng ta bồi hồi xúc động, và ta dường như không thể tin vào những gì mà tai mình vừa mới nghe thấy. Ta nói với người đến báo tin với ta rằng “ tôi mới nói chuyện với anh ấy ngày hôm qua mà ” , hay “ chị ấy mới đến thăm tôi và còn tặng quà cho tôi nữa mà ”. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Người bạn ấy của ta đã không còn sống trên cõi đời này nữa. Và có rất nhiều, rất nhiều trường hợp tương tự như thế. Người ta mới thấy đó nhưng giờ đây đã không còn nữa.

Khi chúng ta giao tiếp, cư xử với người xung quanh với ý thức rằng có thể ngày mai ta sẽ không có cơ hội nghe được giọng nói của người đó nữa. Có thể ngày mai ta sẽ không còn thấy được nụ cười tươi trên khuôn mặt người đó nữa. Thì tự nhiên ta sẽ trân quí sự có mặt của người đó, và ta sẽ không nỡ nói hay làm những gì có thể gây tổn thương cho người đó.

Người đó có thể là ba mẹ chúng ta. Người đó có thể là chồng hay là vợ của chúng ta. Và người đó cũng có thể là con cái chúng ta… Chúng ta sống với ý thức về sự vô thường, ngắn ngủi của một kiếp người càng sâu sắc, thì cách sống của chúng ta, cách hành xử của chúng ta cũng sâu sắc và yêu thương hơn.

Mỗi người trong chúng ta hay có khuynh hướng nghĩ rằng những người thương của chúng ta sẽ sống với chúng ta hoài, sẽ sống với chúng ta mãi. Chúng ta ít có khi nào nhớ rằng có thể chỉ sau một đêm thôi thì ta sẽ mãi mãi không còn gặp người ấy nữa. Ta muốn nói những lời xin lỗi của ta với người ấy, ta muốn nói lòng biết ơn của ta với người ấy hay ta muốn thể hiện tình thương của mình cho người ấy - nhưng đã trễ rồi. Người đó đã không thể nghe, và mãi mãi sẽ không thể nghe những gì ta muốn nói dù chỉ một lời.

Vì vậy bạn hãy vui lên đi, bạn hãy cười tươi lên đi khi bạn vẫn có ba, có mẹ còn sống bên bạn. Bạn hãy hạnh phúc lên đi khi những người thương của bạn vẫn còn đó cho bạn. Và bạn hãy can đảm để nói cho người thương của bạn những gì sâu kín nhất trong lòng của mình. Vì có thể bạn sẽ chẳng còn cơ hội nào nữa nếu bạn không nói ra điều ấy. Và bạn hãy tha thứ cho tất cả những ai đã từng làm hại bạn, làm tổn thương bạn vì có thể ngày mai bạn cũng sẽ không còn có mặt trên cõi đời này nữa.

Điều mà tôi khám phá ra trong cuộc đời của mình cho đến tận bây giờ, điều mà làm cho tôi hạnh phúc đó là tình thương, sự tha thứ, bao dung. Có thể tôi thực tập yêu thương còn kém, có thể sự tha thứ, bao dung trong tôi còn kém nhưng đó là con đường mà tôi sẽ nguyện đi trên ấy mỗi ngày. Tôi tự nói với chính mình “hãy thương yêu khi có thể, hãy tha thứ, bao dung khi có thể, bởi vì chỉ một giây phút thôi thì những điều này sẽ trở thành không thể.”

Và điều mà làm cho tôi hạnh phúc nhất không có gì khác hơn sau khi bạn đọc những dòng chữ này, thì sự thương yêu, tha thứ, bao dung trong bạn được biểu hiện. Và bạn đến nói với ba bạn, mẹ bạn, những người thương của bạn rằng bạn yêu họ lắm. Rằng ba mẹ vẫn còn sống bên bạn là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời bạn. Rằng bạn sẽ không cần gì hơn những điều như vậy. Rồi nụ cười hạnh phúc sẽ nở trên môi của bạn và khi đó bạn cũng biết rằng nụ cười hạnh phúc ấy cũng đang nở trên môi của tôi.

PHÁP NHẬT

Wednesday, June 1, 2011

Niềm hy vọng có giá... 20 đô-la



Danielle ngồi thở dài, thất vọng và mệt mỏi. Một ngày chẳng lấy gì làm vui vẻ. Cô chỉ còn lại 40 đôla trong ví.Danielle phải tìm ngân hàng để rút tiền. Nhưng thành phố nơi cô đang sống không có ngân hàng địa phương mà cô có tài khoản, các ngân hàng khác lại chẳng nhiệt tình giúp đỡ.

Sau hơn hai tuần cố gắng hết sức nhưng không được việc, với số tiền ít ỏi, làm sao cô có thể tiếp tục sống và nuôi hai đứa con?

Để thoát khỏi những ý nghĩ bi quan, Danielle quyết định tham dự cuộc gặp gỡ các chị em tại trung tâm phụ nữ địa phương. Những phụ nữ ở đó là nguồn động viên lớn đối với cô. Những suy nghĩ tiêu cực của cô biến mất hẳn khi cô vào ngồi trong phòng gặp gỡ họ.

“Xin chào tất cả mọi người,” một giọng vang lên, xóa tan những suy nghĩ của Danielle. Đó là chị trưởng nhóm. “ Có ai muốn phát biểu ý kiến không?”

Ngồi cạnh Danielle, Amy lên tiếng “Có tôi”. Amy bắt đầu chia sẻ cho mọi người về hoàn cảnh bất hạnh của mình. Cô đã gặp phải rắc rối nghiêm trọng, mất nhà, mất xe. Điện thoại và các dịch vụ điện cũng sắp sửa bị cắt. Chồng cô đã đốt sạch tiền vào cờ bạc. Có chút xíu tiền cô cố gắng dành dụm, anh đã nướng hết vào ma túy. Quan hệ của họ tồi tệ đến mức cô luôn sống trong cảm giác lo sợ về sự an toàn của mình. Số tiền ít ỏi giấu được chỉ giúp cô mua chút thức ăn cho con và tã lót cho đứa nhỏ mới sinh. Cô chẳng còn gì.

Lắng nghe Amy tâm sự, Danielle như nghe được cả tiếng thì thầm êm ái trong tim: “Sau buổi họp, hãy cho Amy hai mươi đôla nhé.”

- “Không được! Mình chỉ còn có 40 đô la thôi” - Danielle thầm đáp lại.

Giọng nói trong tim nhắc lạ lời xúi giục rõ ràng hơn. Danielle biết rằng cô không thể chối từ. Khi cuộc gặp gỡ kết thúc, cô rút hai mươi đô la từ trong ví ra và nhẹ nhàng đưa cho Amy.

Thoạt đầu Amy từ chối không nhận, nhưng khi đám đông ùa đến ôm Amy bày tỏ sự cảm thông, Danielle đã nói với cô rằng Chúa muốn Amy nhận món quà này. Rồi Danielle rời đi.

Khi Danielle mở cửa xe ô tô, cô nghe có ai đó gọi tên mình. Quay lại, Danielle thấy Amy đang tiến lại với đôi mắt ướt đẫm: “Làm sao chị biết được?”, dòng nước mắt chảy dài xuống má Amy khi cô đưa tay vào ví rút ra một lọ thuốc nhỏ màu hổ phách:

“Tôi đã dùng đến lọ cuối cùng vào ngày hôm qua”.

Cô chỉ vào mác lọ thuốc và nói: “ Tôi bị bệnh tiểu đường và phải sống phụ thuộc vào thuốc. Tôi cần dùng thuốc này hàng ngày. Tôi không biết mình sẽ làm gì được nữa…”.

Lại một dòng nước mắt lăn xuống má cô khi cô chỉ vào giá thuốc được in rõ trên mác lọ thuốc: 20 đô la.

Bất chợt Danielle như hồi tỉnh, cảm giác hy vọng và an tâm tràn ngập trong cô.

Với chỉ hai mươi đô la còn lại trong ví, Danielle quyết định chỉ cố gắng rút tiền tại một ngân hàng nữa trước khi về thẳng nhà. Dù nghĩ là sẽ lại nhận lệnh từ chối, nhưng cô vẫn tràn trề lòng tin. Mang theo niềm hy vọng, cô đi vào ngân hàng sát trung tâm phụ nữ. Ngạc nhiên thay, cô rút được tiền mà không bị hỏi bất cứ câu nào.

Trong tâm trạng vui tươi, phấn khởi, Danielle trở về nhà. Đối với Danielle, đã ba năm kể từ ngày hôm đó. Mặc dù biết rằng niềm hy vọng thực sự không có một giá nào cụ thể nhưng cô vẫn cảm ơn quãng đời lạc quan, tràn trề hi vọng tươi sáng mà cô đã nhận được với giá chỉ hai mươi đô la.

Vị trí của số 0




Mỗi số đều bằng số 0+ chính nó. Đó là điều tất nhiên mà cũng chẳng có ý nghĩa gì, việc gì phải viết thế. Nhưng khi một người vô danh không ai biết tới+ nghị lực và tài năng, trở thành một nhà bác học lừng danh; một bác nông dân từ bàn tay trắng+ lòng quyết tâm, sự tháo vát, vượt lên đói nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương, thì quả thật “số 0” không phải là vô nghĩa.

Bạn hãy bắt đầu đếm từ “số 0”, bắt đầu từ bản thân mình+ niềm tin và tri thức tuổi trẻ, bạn sẽ biết nình bắt đầu từ đâu và đi tới đâu, đừng đếm từ những đồmg tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ, từ những ngôi nhà hay từ những chiếc xe đắt tiền rú ầm rong đêm, những con số đếm từ những thứ đó không thể đứng vững trong cuộc sống, bởi dưới chân họ không phải thứ gì họ tự làm ra, họ khôn biết bắt đầu từ đâu và cũng không biết mình sẽ đi đến đâu, không có nơi bắt đầu cũng không có điểm kết thúc.

Bắt tay vào mọi việc từ con “số 0” và làm nên cả thế giới, dù đó là một thế giới nhỏ của riêng bạn thì bao giờ cũng cảm thấy vui sướng nhiều hơn khi phải phụ thuộc vào người khác, đúng không?

Chúng ta biết nói “Không!” với những nhu cầu chưa đúng lúc của bản thân, biết nói “Không!” trước những cám dỗ nguy hiểm của cuộc sống, biết nói “Không!” trong hôm nay để có nhiều trong ngày mai.

1.000.000 lớn hơn 999.999 cho dù nó gồm rất nhiều số 0, nhưng nếu bạn đảo các số 0 lên trước thì chúng trở nên vô nghĩa và trở thành con số hầu như không đáng kể bên cạnh 999.999, nó sẽ càng vô nghĩa khi bạn nói: “Tôi không biết!”, “Tôi không làm được!”, “Tôi không thể!”. Hãy hiểu số 0 và đặt nó đúng chỗ, bạn sẽ ngạc nhiên trước ý nghĩa của con số tưởng như vô nghĩa này.

Bức tranh không có mắt

Gia đình họ đã sống rất hạnh phúc. Những ngày nghỉ, họ thường cho con đi chơi công viên, dạo phố. Chị dắt tay con trai đi trước, anh thong thả đi đằng sau.

Chị luôn nắm tay con thật chặt. Lúc nào chị cũng nghĩ đường phố lắm người nhiều xe, lại còn bọn trẻ mới lớn tự xưng “anh hùng xa lộ” lạng lách như điên. Cứ nhìn thấy chúng, chị vội bế con đứng nép vào bên lề đường, hoặc rẽ vào một cửa hàng nào đó chờ cho chúng đi qua.

Một lần, có chiếc ô tô suýt cán vào con chị, chị liền lăn vào che cho con. Con trai chị thoát nạn nhưng chị bị thương. Đứa con trai nhìn mẹ, khóc và hỏi: “Mẹ thương con lắm phải không?”. Chị chỉ nhìn con cười.

Sau đó, hàng xóm thấy họ ít dạo phố hơn trước. Chồng chị bị ốm nặng. Đêm khuya, không có người trông con, một mình chị lưng cõng chồng, tay dắt con vào bệnh viện. Những ngày anh điều trị, hôm nào chị cũng phải dắt con vào chăm sóc chồng.

Đến bữa, chị nấu cháo rồi đánh nhuyễn, lọc kỹ, bón cho anh từng thìa. Mỗi thìa cháo, trước khi bón cho anh, chị đều đưa lên miệng thử trước, tránh cho anh bị bỏng. Khi đỡ ốm, anh rơm rớm nước mắt, nắm tay chị thật chặt: “Em thật tốt! Anh biết ơn em!”. Đứa con trai cũng rưng rưng: “Mẹ ơi, con thương mẹ!”. Chị vẫn chỉ cười, ôm con trai vào lòng.

Anh được ra viện. Cuộc sống gia đình lại trở nên bình thường. Những ngày nghỉ, cả nhà lại cùng nhau đi dạo phố. Anh còn yếu, chị vừa đi vừa đỡ anh, luôn miệng nhắc anh phải cẩn thận. Khi có ô tô đến gần, chị thường đứng trước mặt anh che chắn, đề phòng bất trắc.

Nhưng một ngày kia, không ai có thể ngờ, gia đình họ tan vỡ. Anh chạy theo cô gái khác. Cô ta trẻ hơn, hấp dẫn và khêu gợi hơn chị. Hình ảnh chị mờ dần trong tim anh. Anh thấy chị không chiều anh được như cô ta. Trong mắt anh, chị ngày một xấu.

Khi anh dọn đi, đứa con trai giữ chặt tay bố: “Tại sao bố bỏ đi? Chẳng phải bố đã khen mẹ tốt là gì?”. Người bố không dám nhìn vào mặt con. Anh ta nhắm mắt lại như để chạy trốn. Hình ảnh ấy đã ăn sâu vào trong ký ức của đứa con...

Rồi con chị khôn lớn. Cậu vẽ rất đẹp. Nhưng có điều đặc biệt, những người đàn ông cậu vẽ đều không có mắt.

Có người xem những bức tranh cậu vẽ, lấy làm lạ, hỏi: “Người này là ai vậy?”.

“Cháu vẽ bố cháu đấy!”, cậu đáp.

Người kia hỏi tiếp: “Sao cháu vẽ bố mà lại không vẽ mắt?”.

Cậu bé trả lời: - Bố cháu không có mắt!

Sức mạnh và can đảm




Bạn phải có sức mạnh để chiến thắng, nhưng đôi khi bạn phải có can đảm để từ bỏ.
Bạn phải có sức mạnh để chắc chắn, nhưng đôi khi bạn phải có cam đảm để nghi ngờ.
Bạn phải có sức mạnh để cảm thấy nỗi đau của người khác, nhưng đôi khi bạn phải có cam đảm để cảm thấy nỗi đau của chính bạn.
Bạn phải có sức mạnh để giấu nỗi buồn của mình, nhưng đôi khi bạn phải có can đảm để không cần giấu giếm.
Bạn phải có sức mạnh để đứng một mình, nhưng đôi khi bạn phải có can đảm để dựa vào người khác.
Bạn phải có sức mạnh để tồn tại, nhưng bạn phải có can đảm để sống.

Hạt giống tâm hồn





Ở vương quốc xa xôi nọ có một vị vua đã già muốn tìm người kế vị. Thay vì chỉ định một trong số cận thần và các con của mình, nhà vua quyết định sẽ chọn cách khác. Ngài cho gọi các hoàng tử vào cung và nói:

- Các con của ta, đã đến lúc ta phải nhường ngôi cho một vị hoàng đế xứng đáng nhất. Ngày hôm nay, ta sẽ đưa cho các con mỗi người một hạt giống đặc biệt. Ta muốn các con ươm mầm và tưới nước cho nó hàng ngày. Một năm sau các con hãy quay trở lại đây và cho ta xem thành quả của mình.

Nghe lời vua cha nói, các hoàng tử vô cùng bất ngờ. Ling - một trong số các hoàng tử vui vẻ cầm hạt giống trở về nhà. Chàng thích thú kể cho mẹ nghe về lời yêu cầu của vua cha, mẹ Ling giúp chàng kiếm một chiếc chậu, xới đất, và ươm mầm hạt giống. Hàng ngày, chàng hoàng tử bé nhỏ chăm chỉ tưới nước, chờ đợi hạt giống nảy mầm. 3 tuần trôi qua, các hoàng tử đã bắt đầu bàn tán sôi nổi về những cái cây đang lớn, nhưng hạt giống của Ling không hề thay đổi.

Thời gian cứ thế trôi qua, 3 tuần, 4 tuần rồi 5 tuần… vẫn là chiếc chậu đất trống không. Sáu tháng trôi qua không hề có 1 cái cây nào trong chậu đất của Ling trong khi các hoàng tử khác đều đã trồng được những cái cây khoẻ mạnh, to lớn. Ngày qua ngày Ling lặng lẽ chờ đợi phép màu sẽ đến với hạt giống của chàng.

Cuối cùng thời hạn 1 năm đã đến, các hoàng tử đều háo hức mang chậu cây của mình đến khoe với vua cha. Hoàng tử Ling rất lưỡng lự, chàng không hề muốn đến gặp nhà vua với một chiếc chậu trống không như vậy. Thấy Ling ủ dột, mất ăn mất ngủ, mẹ Ling khuyên chàng hãy nói thật với vua cha về cái hạt giống của mình. Nghe những lời mẹ nói, lòng Ling bỗng nhiên thắt lại, chàng lặng lẽ mang chiếc chậu trống không đến cung điện.

Vừa đến nơi, chàng choáng ngợp khi rất nhiều chậu cây xinh đẹp với đủ các hình dáng và kích cỡ đang tranh nhau khoe sắc rực rỡ. Trông thấy Ling đặt chiếc chậu trống không xuống sàn, các hoàng tử đều cười ồ lên chế nhạo.

Rồi nhà vua bước vào cung điện, ông nhìn xung quanh một hồi rồi nói :

- Các con yêu quí của ta, quả là những chậu cây xinh đẹp. Ngày hôm nay ta sẽ chọn ra một hoàng đế xứng đáng nhất.

Bỗng nhiên, ánh mặt nhà vua dừng lại ở Ling - chàng hoàng tử bé nhỏ đứng nép cuối phòng với chiếc chậu trống. Vua yêu cầu quân lính mời chàng lên phía trước. Ling vô cùng hoảng sợ, chàng run run bước đi và nghĩ nhà vua có thể sẽ giận dữ và chém đầu chàng vì không tuân lệnh.

Khi Ling bước lên phía trước, vua cha nói:

- Hỡi các thần dân, ta tuyên bố hoàng đế mới của vương quốc là Ling.

Quá bất ngờ, Ling không thể tin đó là sự thật. Thậm chí chàng còn không thể trồng được hạt giống thì làm sao có thể trở thành hoàng đế?

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, nhà vua khẽ mỉm cười và nói:

- Một năm trước ta đã cho các con mỗi người một hạt giống, và yêu cầu các con mang cho ta xem thành quả của các con sau một năm. Nhưng tất cả các hạt giống ta trao cho các con đều đã luộc chín nên không thể trồng được nữa. Tất cả các con, trừ Ling, đều mang đến cho ta những chậu cây rực rỡ. Khi biết rằng hạt giống không nảy mầm, các con đã thay thế hạt giống của ta bằng hạt giống khác. Ling là người duy nhất dũng cảm và chân thực mang đến cho ta chiếc chậu với chính hạt giống ta trao. Bởi vậy, Ling mới là người duy nhất xứng đáng với ngôi vua.

Nên nói hay không?

Thời Hi Lạp cổ đại, Socrates là một nhân vật nổi tiếng về sự thông thái và rất được kính trọng. Một ngày kia, một người quen của nhà triết học gặp ông và nói:
- Ngài có biết tôi vừa nghe được chuyện gì về bạn của ngài không?
- Hãy đợi một chút - Socrates đáp.

- Trước khi nói với tôi về chuyện đó, tôi muốn ông cùng tôi thử nghiệm chuyện này. Đây được gọi là bài thử nghiệm sàng lọc ba bước.
- Thử nghiệm sàng lọc?
- Đúng - Socrates tiếp tục
- Bước đầu tiên là sự thật. Ông có thể đoán chắc rằng những gì ông nói ra hoàn toàn là sự thật?
- Không - người đàn ông đáp,
- Thật ra tôi chỉ được nghe…
- Được rồi – Socrates nói
- Vậy bây giờ qua bước thứ hai nhé, sàng lọc về lòng tốt. Những điều ông sắp nói về bạn tôi là điều tốt chứ?
- Không, mà ngược lại…
Socrates tiếp tục:
- Như vậy ông dự định nói một điều không tốt về bạn tôi, nhưng ông lại không chắc rằng điều đó có phải là sự thật hay không. Bây giờ là bước cuối cùng: sự hữu ích. Những gì ông sắp nói về người bạn của tôi có mang lại lợi ích gì không?
- Không, thật sự là không.
- Vậy thì ...- Socrates kết luận
- Những gì ông muốn nói với tôi không phải là sự thật, không là điều tốt và cũng không có ích gì, vậy thì tại sao ông lại muốn nói ra? 

Con cá và cần câu





Câu chuyện “Con cá và cần câu” là câu chuyện ngụ ngôn xưa, tùy từng giai đoạn nó được chế tác thành phiên bản mới, mang ý nghĩa của thời đại. Từ phiên bản cũ đề cao công cụ, rồi đề cao phương pháp, phiên bản mới đề cao thái độ sống - như là yếu tố khởi đầu cho số phận.

Câu chuyện kể rằng A đi câu cá, trên đường về gặp một người ăn xin sắp chết đói. A thương tình nên bắt trong giỏ cá của mình vừa đi câu về cho người ăn xin một con cá. Người ăn xin đã nướng ăn và thoát được cơn đói. A về rất vui, gặp bạn mình là B kể lại câu chuyện mình đã làm được một việc thiện. B lắc đầu bảo rằng A làm như vậy là không chắc tốt. ”Không chỉ cho cá, cậu nên cho người ăn xin cần câu để anh ta tự mình đi câu kiếm sống. không tin, ngày mai cậu đi qua sẽ thấy người ăn xin đó vẫn bị cơn đói hành hạ” - B nói.

Ngày hôm sau A rủ B cùng đi câu. Khi trở về, quả như lời B nói, hai anh em gặp lại người ăn xin đang nằm lả bên vệ đường. A lại cho người ăn xin cá và B cho người ăn xin cần câu. A và B trở về trong tâm trạng vui vẻ vì đã làm được việc thiện. Trên đường về A và B gặp C. Cả A và B hào hứng kể lại câu chuyện trên cho C nghe. C lắc đầu nói: “Các cậu làm vậy chưa chắc đủ. Cho người ăn xin cần câu rồi nếu không chỉ cho anh ta phương pháp câu thì chưa chắc anh ta câu được cá. Có thể ngày mai trở lại các cậu sẽ thấy người ăn xin vẫn bị đói”

Ngày hôm sau A rủ B rủ C cùng đi câu. Khi trở về, quả như lời C nói, ba anh em gặp lại người ăn xin đang nằm còng queo, quắp chiếc cần câu lả bên vệ đường. A lại cho người ăn xin cá và B sửa lại cần câu, C giảng giải tỉ mỉ phương pháp câu cá, từ mắc mồi câu đến phương pháp câu từng loại cá…v.vThế rồi cả ba trở về trong tâm trạng đầy hưng phấn, tin chắc tư nay người ăn xin sẽ không sợ đói nữa. Khi ba người về gặp D, cả ba hào hứng kể lại câu chuyện người ăn xin. D ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu nghi hoặc:” Các cậu đã làm đúng, thế nhưng tớ nghĩ chưa đủ. Tớ chỉ sợ thiếu một điều có lẽ còn quang trọng hơn đó là các cậu chưa chỉ cho anh ta thái độ sống tích cực, phù hợp. Chỉ e rằng anh ta chỉ lo bản thân trước mắt, không lo đến lâu dài,”tích dốc phòng cơ” khi mùa hạn tới không có cá để câu; thậm chí có khi anh ta còn có thái độ tiêu cực, không chịu đi câu, lại trở về với nghề ăn xin”.

Cả A,B và C không tin lắm vào lời D, nhưng để kiểm tra, ngày hôm sau nữa, A,B và C cùng rủ D đi câu. Không ngờ rằng, trên đường về nhà,cả bốn anh em gặp người ăn xin ngày nọ trở về với nghề cũ của mình. A, B và C kéo D lại bảo D chỉ cho người ăn xin thái độ sống.
D ngần ngại:”Thái độ sống phải đào luyện thường xuyên nhờ sự định hướng, tác động của gia đình, nhà trường và xã hội, không thể ngày một ngày hai mà có được”...

Phiên bản tân trang câu chuyện ngụ ngôn trên nghe có vẻ giản dị nhưng thật sâu sắc. Câu chuyện cốt yếu đem lại khẳng định về tầm quang trọng của thái độ sống. Hóa ra công cụ, phương pháp điều quan trọng nhưng thái độ sống là điều quan trọng hơn cả. Có khi thái độ sống là khởi điểm cho châm ngôn của người xưa, là cái nhân cho kết quả số phận mỗi người: "Thái độ thúc đẩy suy nghĩ, suy nghĩ thúc đẩy hành động, hành động tạo nên thói quen, thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận".

Vàng ròng và đồng thau



Ngày xửa ngày xưa, bên Ai cập có một vị hiền triết tên là Zun-Nun. Ngày kia, một anh thanh niên đến và hỏi ông:
"Thưa ngài, tôi không biết tại sao những người đáng kính như ngài luôn ăn mặc theo một cách giống nhau và luôn luôn đơn giản như vậy. Chẳng lẽ không cần chưng diện một chút, không phải để khoe khoang, nhưng còn vì mục đích khác nữa chứ, thưa ngài ?"

Nhà hiền triết chỉ cười và cởi chiếc nhẫn ở tay ra, trao cho chàng trai và nói: "Này anh bạn trẻ, ta sẽ trả lời câu hỏi của cậu, nhưng trước tiên câu phải giúp ta việc này đã. Hãy cầm lấy chiếc nhẫn này và đi đến khu chợ bên kia đường, cậu hãy đổi nó lấy một đồng vàng".

Cầm chiếc nhẫn đen đúa của Zun-Nun trên tay, chàng thanh niên tỏ vẻ nghi ngại: "Một đồng vàng? Tôi không chắc là chiếc nhẫn có thể bán được với giá đó".

"Thử trước đã chàng trai, ai biết được điều gì sẽ xảy ra ?". Chàng trai trẻ phóng nhanh ra chợ. Anh ta đem chiếc nhẫn vào hàng tơ lụa, rau cải, thịt cá và rất nhiều nơi khác. Nhưng sự thực là không ai đồng ý trả cho anh ta với cái giá đó. Anh ta quay về gặp Zun-Nun và nói: "Thưa ngài, không một ai đồng ý bỏ ra một số tiền nhiều hơn một đồng bạc để mua chiếc nhẫn này cả".

Với một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt trầm tĩnh, nhà hiền triết đáp lời: "Bây giờ anh hãy ra tiệm vàng ở cuối đường, đưa chiếc nhẫn này cho ông chủ. Đừng yêu cầu giá bán, chỉ lắng nghe xem ông ta trả giá bao nhiêu".


Chàng thanh niên đi đến tiệm vàng theo yêu cầu và sau đó quay về với vẻ mặt khác hẳn. Anh ta nói: "Thưa ngài, những lái buôn ở chợ không biết giá trị của chiếc nhẫn này, người chủ tiệm vàng đã đồng ý mua chiếc nhẫn này với giá một ngàn đồng vàng, và giá trị thật của nó thậm chí còn lớn hơn nhiều".

Zun-Nun mỉm cười và ôn tồn nói: "Đó là câu trả lời cho câu hỏi của anh. Không thể đánh giá con người mà chỉ dựa vào cách ăn mặc bên ngoài. Những người lái buôn ở chợ định giá theo kiểu đó. Nhưng những nhà buôn vàng thì không như thế. Vàng và đá quý luôn tồn tại bên trong mỗi con người, chỉ có thể được nhận ra và xác định giá trị nếu anh có thể nhìn thấu tâm hồn".

Cần có con tim để nhìn vào cả một quá trình dài lâu. Chúng ta không thể ngang nhiên đánh giá người khác chỉ dựa vào những lời lẽ và cách cư xử trong một lúc nào đó. Nhiều lúc cái ta nghĩ là vàng thì hóa ra là đồng thau, những thứ ta tưởng là đồng thau thì lại chính là vàng thật".


Những lá thư không được trả lời




Có một người đàn ông bị tai nạn giao thông. Vụ tai nạn quá khủng khiếp đã làm ông mất cả hai chân và cánh tay trái. Thậm chí bàn tay phải của ông cũng chỉ còn ngón cái và ngón trỏ. Nhưng ông vẫn còn sở hữu một trí não minh mẫn và một tâm hồn rộng mở.

Suốt những ngày nằm viện, ông rất cô đơn vì ông không còn người thân hay họ hàng. Không ai đến thăm. Không điện thoại, không thư từ. Ông như bị tách khỏi thế giới.

Rồi vượt qua thất vọng, ông nảy ra một ý định: Nếu ông đã mong nhận được một lá thư đến thế, và một lá thư có thể đem lại niềm vui đến thế thì tại sao ông lại không viết những lá thư để đem lại niềm vui cho người khác? Ông vẫn có thể viết bằng hai ngón tay của bàn tay phải dù rất khó khăn. Nhưng ông biết viết thư cho ai bây giờ? Có ai đang rất mong nhận được thư và ai có thể được động viên bởi những lá thư của ông? Ông nghĩ tới những tù nhân. Họ cũng cô đơn và cần sự giúp đỡ.

Đầu tiên, ông viết thư tới một tổ chức xã hội, đề nghị chuyển những lá thư của ông vào trong tù. Họ trả lời rằng những lá thư của ông sẽ không được trả lời đâu, vì theo điều luật của bang, tù nhân không được viết thư gửi ra ngoài. Nhưng ông vẫn quyết định thực hiện việc giao tiếp một chiều này.

Ông viết mỗi tuần hai lá thư. Việc này lấy của ông rất nhiều sức khỏe, nhưng ông đặt cả tâm hồn ông vào những lá thư, tất cả kinh nghiệm của cuộc sống, cả niềm tin và hy vọng. Rất nhiều lần ông muốn ngừng viết, vì không bao giờ ông biết những lá thư của ông có ích cho ai hay không. Nhưng vì việc viết thư đã thành thói quen nên ông vẫn tiếp tục viết.

Rồi đến một ngày kia ông, cuối cùng ông cũng nhận được một bức thư. Thư được viết bằng loại giấy nhà tù, do chính người quản giáo viết. Bức thư viết rất ngắn, chính xác là chỉ có vài dòng như sau:

"Xin ông hãy viết thư trên loại giấy tốt nhất ông có thể có được. Vì những lá thư của ông được chuyền từ phòng giam này sang phòng giam khác, từ tay tù nhân này sang tù nhân khác đến mức giấy đã bị rách cả. Xin cảm ơn ông."

Lắng nghe và cảm nhận




Có người bảo rằng có vui, có buồn, có đau khổ, có hạnh phúc mới là cuộc sống, nếu không cuộc đời này sẽ vô vị. Thế mà tại sao ta lại sợ, sợ yên bình để rồi sóng gió, sợ hạnh phúc để rồi khổ đau, sợ vui để rồi buồn…
Người ta bảo quẳng gánh lo âu đi mà vui sống, ta cũng muốn thế biết bao nhưng tại sao không thoát ra được cảm giác này. Đôi lúc sợ chính con người tiêu cực trong ta, dường như ta đòi hỏi quá nhiều từ mọi thứ thì phải, không gì hoàn hảo, không một ai hoàn hảo, thế mà ta vẫn đang hoài tìm sự hoàn hảo đó thôi... Rắc rối là một người bạn sẽ theo ta suốt cuộc đời, giờ có lẽ ta cần phải học cách sống, cách yêu thương, cách cảm nhận cuộc đời đầy thú vị này vậy, sẽ khó khăn nhưng sẽ bắt đầu từ những gì nhỏ nhặt nhất:
… chỉ đơn giản là mỉm cười khi thấy niềm vui len lỏi
… mỉm cười dịu dàng cả khi một ai đó làm tổn thương ta vì họ đã dạy ta biết thêm một cung bậc của cuộc đời
… hạnh phúc khi nhìn thấy những giọt sương ban mai, khi được đi dưới mưa để cảm nhận sự mát lành đôi khi buốt giá của những giọt nước
… cảm nhận làn gió nhẹ nhàng làm xao xuyến từng cành cây ngọn cỏ
… là nhiều nhiều điều nữa dù là mong manh, dễ vỡ…
Muốn thời gian dừng lại, vạn vật dừng lại, muốn sự tĩnh lặng tuyệt đối, và mò mẫm mở từng nút thắt trong sự rối bời.. Không biết đến bao giờ nhưng cũng có thể là không bao giờ tháo gỡ được sự rối bời đó nhưng ta vẫn muốn tiếp tục cần mẫn thực hiện để tồn tại.
Phải chăng là quy luật của cuộc sống, càng trưởng thành người ta càng sống trong trách nhiệm. Bỗng sợ những bước chân của thời gian và lại muốn mình mãi trẻ thơ, ngây dại, hồn nhiên như trang giấy trắng, không vấy mực bởi những lỗi lầm, không nặng gánh lo toan, không mất mát, không u sầu… Phải chăng ta muốn quá nhiều để rồi thất vọng vì không đạt được.

Suốt cuộc đời mỗi con người sẽ có những khoảnh khắc như thế này, rắc rối là một người bạn khiến ta mạnh mẽ hơn trong bão dông của cuộc đời, điều quan trọng là ta có đủ nghị lực để đương đầu với nó hay không?