Thursday, December 1, 2011

nói ít


Để giúp cho đời sống được an vui, ta nên học thuật “nói ít”.

“Chim khôn tiếc lông, người khôn tiếc lời”, câu tục ngữ dân gian nầy đáng cho ta suy ngẫm và hoc hỏi.

“Chim khôn chưa bắt đã bay . Người khôn nói ít , ít hay trả lời”.

Nói ít không phải là ít nói mà là không nói những lời vô ích.

“Khôn ngoan chẳng lo nói nhiều . Người khôn mới nói nửa điều cũng khôn”.

Tục ngữ có câu: “nói hay hơn hay nói”. Càng nói ít chừng nào càng dễ gây uy tín đối với người xung quanh. Biết thuật nói ít, biết hạn chế lời nói, mình giử đưọc cái vẻ bí mật, người xung quanh dễ tin rằng mình là người thâm trầm, tâm tư còn nhiều kiến thức sâu xa mà chưa nói hết ra. Khi mình đã tạo được uy tín thì lời mình nói ra dễ gây được sự chú ý và sự tín nhiệm. Đã có được uy tín rồi thì “ nói phải củ cải cũng nghe” là nghĩa nầy vậy.

“Rượu nhạt uống lắm cũng say . Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”.

Khi mình biết đắn đo kềm chế lời nói, chỉ nói những gì cần thiết, không: nói ba hoa , nói chuyên nọ xọ chuyện kia ,nói một đàng làm một nẻo , nói thao thao bất tuyệt, nói quanh nói co, nói vòng vo tam quốc, nói thánh nói tướng, nói toạc móng heo, nói xùi bọt mép, nói trước quên sau, nói nhăng như cuội … Đó là mình nói ít và mình làm chủ được mình. Tự mình tránh được những sự lầm lẫn, sai lạc có thể khiến người nghe xem thường. Những sự lầm lẫn, sai lạc ấy vô tình vạch cho người nghe thấy chổ kém cỏi của mình.

Tuy nhiên nói ít không phải là không thèm nói gì cả, không phải là lúc nào ai đó cần mình giải thích thêm hay giải đáp một thắc mắc nào đó thì tỏ vẻ lãnh đạm vì sợ “há miệng mắc quai”, “ăn xôi chùa ngọng miệng”, không buồn mở miệng nói ra nửa lời. Ta nên nhớ rằng “ Cái gì đi đến cực đoan bao giờ cũng có hại”. Cho nên phải biết thuật nói ít chứ không phải là không nói gì cả!

“Lời nói không mất tiền mua . Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Một người biết nói ít thì người nghe đở phải bực mình. Một gia đình biết nói ít thì hàng xóm yên vui. Nhà lãnh đạo biết nói ít thì dân được chăm lo thưc tế hơn và được ấm no. Sư sải biết nói ít thì đệ tử tu hành đúng theo chánh pháp, không lạc vào chùa Mu. Cha mẹ,thầy giáo biết nói ít thì trí não con trẻ không bị xem như là cái bình chứa và khi trưởng thành con trẻ dễ phát huy được tiềm năng phong phú bên trong, trở thành người hữu dụng cho chính bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Tóm lại mọi người đều biết nói ít thì đời sống sẽ được an vui.

2 comments:

quangtinh said...

Giữa không khí gia đình bằng hữu
Tiếng chạm ly mừng vụ sum vầy
Có người buồn bã loay hoay
Nỗi niềm rười rượi không ai tỏ bày
Cái thinh lặng vẫn hòai thinh lặng
Câu đáp từ luẩn quẩn loanh quanh
‘Hai năm học nói tốc hành
Hai mươi năm để thực hành Lặng Im’

Silent Night
23:45pm 24Dec2011 Saturday

quangtinh said...

“Dầu cho ngôn ngữ trăm ngàn
Nói điều vô ích chỉ bàn suông thôi
Tốt hơn: ít chữ, ít lời
Nghe xong tịnh lạc sống đời vô ưu”